Tìm kiếm tin tức
CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG
Ngày cập nhật 03/04/2014

I. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường:
Ủy ban nhân dân phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 111; các khoản 1, 2, 4 Điều 112; các khoản 2, 3, 4 Điều 113; các điều 114, 115, 116, 117 và các khoản 2, 3, 4 Điều 118 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trình Ủy ban nhân dân thị xã phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.
2. Lập dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã quyết định;
Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, quyết định cụ thể dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách và báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương;
Lập quyết toán thu, chi ngân sách địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân thị xã phê duyệt.
3. Tổ chức thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự vệ sinh, sạch đẹp khu phố, lòng đường, lề đường, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị trên địa bàn.
4. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố theo quy định của pháp luật.
II. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân phường:
1. Ủy ban nhân dân phường thảo luận tập thể, quyết định theo đa số các vấn đề được quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 725/2009/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và những vấn đề quan trọng khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân phường.
2. Cách thức giải quyết công việc của Ủy ban nhân dân phường:
a) Ủy ban nhân dân phường ban hành quyết định, chỉ thị để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình;
b) Đối với các vấn đề cần giải quyết gấp nhưng không tổ chức được cuộc họp Ủy ban nhân dân phường, theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, công chức Văn phòng - Thống kê được phân công gửi toàn bộ hồ sơ vấn đề cần xử lý đến các thành viên Ủy ban nhân dân phường để lấy ý kiến. Khi nhận được phiếu lấy ý kiến, thành viên Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm trả lời đúng thời gian quy định, quá thời hạn trả lời mà không có ý kiến xem như chấp nhận phương án trình lấy ý kiến. Nếu quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân phường nhất trí thì công chức Văn phòng - Thống kê tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường quyết định và báo cáo Ủy ban nhân dân phường tại phiên họp gần nhất.
III. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của các thành viên Ủy ban nhân dân phường:
1. Trách nhiệm chung:
a) Tích cực, chủ động tham gia các công việc chung của Ủy ban nhân dân phường; tham dự đầy đủ các phiên họp Ủy ban nhân dân, cùng tập thể quyết định và chịu trách nhiệm về các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; tổ chức chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, Trưởng khu phố, Tổ trưởng Tổ dân phố hoàn thành các nhiệm vụ; thường xuyên học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền về chủ trương, chính sách đang thi hành tại cơ sở;
b) Không được nói và làm trái các quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân phường và văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên. Trường hợp có ý kiến khác thì vẫn phải chấp hành, nhưng được trình bày ý kiến với Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
2. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ủy ban nhân dân cấp trên và Đảng ủy phường về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại các điểm c, d khoản 1 và khoản 2, 6, 7 Điều 127 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
c) Căn cứ vào các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Nghị quyết của Đảng ủy và tình hình thực tiễn của địa phương, xây dựng chương trình công tác năm, 6 tháng, quý, hàng tháng của Ủy ban nhân dân phường;
d) Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; phân công nhiệm vụ, đôn đốc, kiểm tra các thành viên Ủy ban nhân dân phường và các cán bộ, công chức, Trưởng khu phố, Tổ trưởng Tổ dân phố trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao;
đ) Quyết định những vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều nội dung công việc, những vấn đề đột xuất, phức tạp trên địa bàn; những vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc vượt quá thẩm quyền của Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân phường;
e) Ký ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân phường và thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật; khi vắng mặt thì ủy quyền bằng văn bản để Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ký thay;
g) Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của phường, hoạt động của Ủy ban nhân dân phường với Đảng ủy và Ủy ban nhân dân quận;
h) Thường xuyên trao đổi công tác với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân phường; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ công tác; nghiên cứu, xem xét, tiếp thu kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phường đối với công tác của Ủy ban nhân dân phường; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất và những điều kiện cần thiết khác để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phường hoạt động có hiệu quả.
3. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế làm việc và sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cùng với Chủ tịch và các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về những vấn đề Ủy ban nhân dân phường quyết định;
b) Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực và địa bàn công tác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường phân công; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các công việc theo lĩnh vực được phân công trên địa bàn; được sử dụng quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường khi giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực được giao. Đối với những vấn đề vượt quá phạm vi thẩm quyền thì phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường quyết định;
c) Khi giải quyết công việc, nếu có vấn đề liên quan đến phạm vi và trách nhiệm giải quyết công việc của thành viên Ủy ban nhân dân khác thì chủ động trao đổi, phối hợp với thành viên đó để thống nhất cách giải quyết; nếu vẫn còn ý kiến khác nhau thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường quyết định;
d) Kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức, Tổ trưởng Tổ dân phố thực hiện các chủ trương, chính sách, công việc thuộc lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật
4. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Ủy viên Ủy ban nhân dân phường:
a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế làm việc và sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; cùng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về những vấn đề Ủy ban nhân dân phường quyết định;
b) Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công việc thuộc lĩnh vực được phân công trên địa bàn; chủ động đề ra các biện pháp để hoàn thành tốt công việc đó; nắm tình hình, báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường về lĩnh vực công tác của mình và các công việc khác có liên quan;
c) Phối hợp công tác với các thành viên khác của Ủy ban nhân dân phường, các cán bộ, công chức thị xã có liên quan và giữ mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân thị xã để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường giao.

 

MH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.171.521
Truy câp hiện tại 237