Tìm kiếm tin tức
LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ PHƯỜNG Chương III
Ngày cập nhật 11/01/2014

Nhân dân Thủy Dương đấu tranh để bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài

I/ Tình hình Thủy Dương sau Cách mạng tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã đứng trước một tình hình cực kỳ khó khăn, nguy hiểm.
Theo quy định của các nước đồng minh  tại hội nghị Pôt - xđam, thì ở nước ta, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc sẽ do quân Tưởng Giới Thạch, từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam sẽ do quân Anh vào tước vũ khí quân phát xít Nhật.
Thực hiện quy định đó, ở miền Bắc, 18 vạn quân Tưởng kéo vào đóng khắp các Thành phố, thị xã, gây rất nhiều điều phiền nhiễu cho chính phủ và nhân dân ta, đặc biệt là chúng nuôi dã tâm xâm lược hoặc dựng lên ở đây một chính phủ của bọn Việt gian thân Tưởng để áp bức, bóc lột nhân dân ta. Còn ở miền Nam, hàng nghìn quân Anh kéo vào đã tỏ ngay thái độ thù địch với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng đã để cho quân Pháp núp sau lưng chúng trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đế quốc Mỹ cũng muốn thông qua quân Tưởng mà tiêu diệt Cách mạng Việt Nam.
Thế là bọn đế quốc quốc tế đã âm mưu cấu kết với nhau tiêu diệt nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ của nhân dân ta. Cùng với chúng, bọn Việt gian lưu vong ở nước ngoài kéo về, bọn Việt gian - phản động ở trong nước ngóc đầu dậy, dựa vào bọn chủ của chúng điên cuồng chống phá cách mạng và âm mưu cướp chính quyền của ta.
Bên cạnh đó, sau cách mạng Tháng Tám, ta lại tiếp thu một gia sản nghèo nàn, trống rỗng, khánh kiệt. Nạn đói, nạn thất nghiệp, nạn nông dân thiếu hoặc không có ruộng đất và các tệ nạn xã hội tiếp tục hoành hành.
Tất cả tình hình đó đã đẩy cách mạng nước ta vào một tình thế rất hiểm nghèo, vận mệnh dân tộc như  “Ngàn cân treo sợi tóc”.
 Nhưng nhờ có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản, chính phủ và Hồ Chủ  tịch, nhờ có chính quyền nhân  dân được thành  lập, được củng  cố, thống nhất từ trên xuống dưới trong cả nước, lại được nhân dân ủng hộ, nên con thuyền cách mạng đã luồn lách qua mọi khó khăn thử thách hiểm nghèo, vươn tới bến bờ thắng lợi.
Những khó khăn phức tạp của tình hình đất nước đều biểu hiện rõ nét ở Thủy Dương.
Nạn đói vẫn kéo dài nặng nề đe dọa đời sống hầu hết  gia đình nông dân trong xã. Ruộng đất phần lớn còn nằm trong tay hơn một chục gia đình địa chủ và phú nông. Nông dân chỉ có những mãnh ruộng xấu, vẫn phải nhận cấy rẽ ruộng của địa chủ hoặc đi làm thuê cho phú nông.
Bọn phản động bao gồm bọn lý dịch củ (như Lý Châu, Khán Hòe), bọn cường hào, bên ngoài đầu hàng cách mạng nhưng thâm tâm vẫn ngấm ngầm, xảo quyệt, lợi dụng những mặt non yếu của chính quyền cách mạng để nói xấu cách mạng, đả kích cán bộ chia rẽ nội bộ ta. Tổng Giám mục Giáo phận Huế của đạo Thiên Chúa về làng Thanh Dạ giảng đạo, ra sức tuyên truyền chia rẽ lương giáo và lôi kéo giáo dân theo Pháp.
Trong khi đó, chính quyền cách mạng của xã còn rất non trẻ; đội ngũ cán bộ xã còn nhiều bở ngỡ - lúng túng trong việc quản lý chính quyền, quản lý xã hội. Trình độ văn hóa của nhiều đồng chí cán bộ còn rất thấp. Hầu hết nhân dân không biết chữ. Các đoàn thể cách mạng như Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc còn yếu, còn rất ít đoàn viên và hội viên. Đặc biệt ngay sau khi cách mạng thành công, Thủy Dương chưa có chi bộ Đảng độc lập của mình, nên có những hạn chế nhất định trong việc lãnh đạo giải quyết các vụ việc cụ thể ở xã.
Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn bề bộn đó, Thủy Dương cũng có những thuận lợi rất cơ bản: đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Huyện ủy Hương Thủy. Sự lãnh đạo đó vừa qua đã đem lại cuộc đổi đời cho nhân dân Thủy Dương từ thân phận nô lệ thành người làm chủ xóm làng, nắm chắc chính quyền trong tay. Giờ đây, nhân dân cả xã vẫn đang hừng hực không khí cách mạng và rất phấn khởi, tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng Tháng tám ở xã, góp phần vào cuộc đấu tranh sinh tử của nhân dân cả huyện, cả tỉnh và cả nước.
II/ Những biện pháp đấu tranh để bảo vệ, củng cố thành quả cách mạng Tháng Tám :
1- Về mặt chính trị :
Tình hình Thủy Dương sau khi cách mạng Tháng Tám thành công đặt ra một nhu cầu bức thiết là phải xây dựng một chi bộ Đảng độc lập của xã. Bây giờ, nhân dân đã nắm chính quyền, chủ trương đường lối của Đảng đã rõ ràng, do đó việc xây dựng chi bộ đảng thuận lợi hơn trước rất nhiều và đã chín muồi.
Quần chúng nhân dân đã được rèn luyện qua phong trào cách mạng khởi nghĩa cướp chính quyền rất tin tưởng vào Đảng Cộng sản, phong trào quần chúng đang lên rất mạnh. Trong phong trào đó, xã đã xuất hiện một bộ phận quần chúng tiêu biểu, nhất là trong thanh niên. Bộ phận này đã giác ngộ Chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ đường lối chính sách của Đảng, đặc biệt là đã được rèn luyện, thử thách trong phong trào quần chúng chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền ở xã. Nhiều người đã tỏ rõ năng lực tổ chức, tập hợp và vận động quần chúng khi đảm đương các trách nhiệm trong tổ chức Việt Minh, trong bộ máy chính quyền xã và có nguyện vọng tha thiết đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản.
Cùng lúc này, Tỉnh ủy Thừa Thiên quyết định cho huyện Hương Thủy thành lập Ban vận động thành lập Đảng bộ huyện. Ban này sau trở thành Huyện ủy lâm thời, các đồng chí trong Ban vận động thành lập Đảng bộ huyện, trước khi phân công nhau xuống các xã vận động và chỉ đạo việc thành lập chi bộ các xã, đã được học tập tại một lớp huấn luyện cán bộ của Xứ ủy Trung kỳ mở tại trường Hậu Bổ củ (nay là rạp hát Hưng Đạo Huế), lớp học đã trang bị cho học viên lý luận về cách mạng tư sản dân quyền, về cách mạng vô sản, về Đảng Cộng sản và các nguyên tắc xây dựng Đảng, về sự nghiệp vẽ vang của Đảng Cộng sản Đông Dương. Với cái “Cẩm nang” đó, các đồng chí về các xã đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng và xây dựng chi bộ Đảng.
Đồng chí Phùng Lưu  (sau còn gọi là Nguyễn Vạn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là Khu ủy viên, bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế).
được phân công về chính xã quê hương Thủy Dương của mình. Về xã, theo quy định của trên, đồng chí mở một lớp cán bộ Việt Minh của xã tại nhà Văn Thánh. Học viên hầu hết là cán bộ cốt cán của xã. Những vấn đề cơ bản tiếp thu tại lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh của Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Phùng Lưu đem giảng lại ở lớp huấn luyện này. Qua đó, trình độ lý luận và giác ngộ  cách mạng, cũng như hiểu biết về Đảng Cộng sản Đông Dương của cán bộ Thủy Dương được nâng lên và sâu sắc hơn... nhiều đồng chí tự nguyện tha thiết gia nhập Đảng.
Sau đó, Ban vận động thành lập Huyện Đảng bộ Hương Thủy (tức Huyện ủy lâm thời) qua nghiên cứu, kiểm tra, xem xét, đã quyết định thành lập chi bộ xã Thủy Dương và kết nạp các đồng chí chủ chốt của xã làm đảng viên dự bị. Ngày 30-10-1945 lễ thành lập chi bộ và kết nạp đảng viên Thủy Dương được tiến hành giản dị và trang nghiêm tại nhà Văn Thánh. Tại buổi lễ, các đồng chí Lê Minh là bí thư, Nguyễn Thượng Phương phó bí thư, Nguyễn hữu Lễ  là huyện ủy viên Hương Thủy đã tuyên bố thành lập chi bộ của xã Thủy Dương gồm các đảng viên sau đây :
    - Đồng chí Phùng Lưu (Đang làm bí thư nông hội Huyện) làm bí thư chi bộ
          - Đồng chí Phùng Huỳnh (đang làm phó chủ tịch xã).
          - Đồng chí Lê Thị Bích Hà (đang làm bí thư phụ nữ xã)
          - Đồng chí Lê Bá Dõng (đang làm bí thư nông hội xã)
          - Đồng chí Lê Bá Đề (đang phụ trách thanh niên thông tin tuyên truyền của xã).
          - Đồng chí Nguyễn Thanh Thuận (Năm Voi), Đồng chí Ngô Hiếu
 Huyện ủy Hương Thủy giới thiệu các đồng chí Nguyễn Hữu Lễ, Lê Thị Bích Lý, cán bộ huyện về sinh hoạt với chi bộ Thủy Dương. Như vậy chi bộ đầu tiên của Thủy Dương có 9 đảng viên, chưa kể những đảng viên quê Thủy Dương giữ các trọng trách ở huyện nhà hay huyện Phú Vang. [sau này Đồng chí Lê Bá Chi  (đang là ủy viên nông hội huyện) cũng về sinh hoạt chi bộ xã].
Đầu năm 1946, xứ ủy Trung kỳ chủ trương bồi dưỡng nâng cao chất lượng và trình độ đảng viên thông qua lớp huấn luyện mở tại Tam Tòa củ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh bí thư xứ ủy trực tiếp giảng bài ở lớp huấn luyện. Các đảng viên chi bộ Thủy Dương đều đi dự lớp huấn luyện này. Qua  học tập liên hệ thực tế, thấy có một số trường hợp kết nạp chưa đúng thủ tục, phải tiến hành kết nạp lại. Tháng 6-1946 chi bộ đảng Thủy Dương được công nhận là chi bộ chính thức.
Chi bộ đảng ra đời là một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng của xã. Nó là bộ tham mưu của Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của địa phương, bao gồm những người con ưu tú của Thủy Dương đảm nhận nhiệm vụ nặng nề là lãnh đạo nhân dân toàn xã đấu tranh bảo vệ, củng cố chính quyền nhân dân và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Trước đây nhân dân Thủy Dương hiểu Đảng qua công tác tuyên truyền, qua chủ trương của Đảng. Bây giờ họ hiểu Đảng một cách cụ thể - gần gũi hơn, vì Đảng biểu hiện bằng những con người tốt nhất của quê hương đang chăm lo đời sống hàng ngày cho bà con trong xã. Vì thế, họ càng gắn bó với Đảng và quyết tâm  bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, vì nó đã có nghĩa là bảo vệ những  người thân  thiết ruột thịt của mình. Chi bộ Đảng  Thủy Dương ra đời đã củng cố vững chắc niềm tin vào tiền đồ cách mạng cho nhân dân toàn xã. Vì thế, sức mạnh đấu tranh của họ tăng lên gấp bội.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chính quyền cách mạng của xã đã thực hiện các quyền tự do dân chủ rộng rãi và những quyền lợi thiết thực cho nhân dân như : quyền nam nữ bình đẳng, xóa bỏ thuế thân và các thứ thuế do đế quốc phong kiến đặt ra; xóa bỏ hết các văn tự - khế ước về nợ nần và các nghĩa vụ có tính chất phong kiến cho nông dân, nên đã tạo ra uy thế chính trị cho nông dân. Bên cạnh đó, ban thanh niên và thông tin tuyên truyền của xã đã tổ chức đọc sách báo cách mạng, phổ biến tin tức thời sự, chính trị một cách kịp thời, đều đặn cho nhân dân. Một số đợt sinh hoạt chính trị toàn dân cũng được tổ chức v.v.... Thông qua các hoạt động đó mà trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân trong xã được nâng cao.
Ngày 6-01-1946, lần đầu tiên trong đời mình, nhân dân Thủy Dương thực hiện quyền làm chủ thức sự về chính trị của mình - tham gia bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong không khí rộn ràng của ngày hội, hơn 90% nhân dân trong xã nam cũng như nữ từ 18 tuổi trở lên đều được đi bầu cử. Tiếp đến, theo chủ trương chung của chính phủ Trung ương, ngày 22-11-1946 nhân dân Thủy Dương lại một lần nữa thực hiện quyền làm chủ thực sự của mình, cầm lá phiếu cảm động bầu cử ra Hội đồng Nhân dân của xã nhà.
Những ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân xã thực sự là ngày hội của quần chúng lao khổ Thủy Dương. Trước đây, người lao động có bao giờ được bàn việc nước, việc làng xã. Đó là việc của những người có chức tước, phẩm hàm, có vai vế trong làng, ngoài nước, Phụ nữ và người dân cư ngụ ở các làng lại càng không có quyền gì, mà chỉ biết quanh năm đầu tắt mặt tối, cày thuê, cấy mướn, mò cua bắt ốc kiếm ăn. Bây giờ họ được mời đi họp hành bàn việc nước, việc thôn xóm, làng xã, được học tập chính trị, thời sự, được bầu cử ra người đại diện cho quyền lợi của mình.
Những hoạt động đó thật là mới mẻ và cảm động đối với họ. Qua những quyền lợi cụ thể do chính quyền cách mạng đem lại, nhân dân lao động Thủy Dương thấy rõ ràng chính quyền này thực sự là của mình, vì mình và do mình bầu ra.
Những hoạt động chính trị nói trên đã tạo ra chuyển biến sâu sắc trong đời sống của nhân dân Thủy Dương. Vẫn sau lũy tre xanh quen thuộc ấy, một cuộc sống mới thực sự đã bắt đầu. Trong cuộc sống mới ấy, người nông dân thoát khỏi mọi nghĩa vụ phong kiến, nợ nần truyền kiếp làm cho bao người đau khổ. Trong cuộc sống mới ấy, tất cả những cuộc đời nô lệ, đã trở thành người tự do, làm chủ đời mình và làm chủ xã hội. Như anh  Dương, anh Tứ đã thoát khỏi cảnh  đi ở đợ, trở thành người tự do, các anh tình nguyện đi bộ đội, trở thành những chiến sĩ Vệ quốc quân. Anh Dõng, anh Giỏi trở thành những chiến sĩ du kích xã và ông Heo trở thành công dân bình đẵng với mọi công dân khác.v.v...Biết bao cuộc đời của Thủy Dương đã đổi thay như vậy, quảng đời tủi nhục đã lùi vào dĩ vãng. Cuộc đời làm chủ đang vươn lên, chính những đổi thay kỳ diệu ấy đã  khiến nhân dân Thủy Dương nguyện đem hết sức mình ra bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân,  người đã cứu vớt họ, và giành lại giá trị làm người cho họ.
Thắng lợi của các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân vừa biểu hiện trình độ giác ngộ chính trị, vừa nâng cao thêm sự giác ngộ cách mạng của nhân dân lên một bước. Họ càng hăng hái tham gia các đoàn thể cách mạng như Thanh niên cưú quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nông hội cứu quốc.v.v... Các đoàn thể này thu hút đông đảo  các tầng lớp nhân dân, đã thực sự làm nòng cốt trong phong trào cách mạng của quần chúng và là chổ dựa cho chính quyền nhân dân, đồng thời khối đoàn kết toàn dân trong xã xung quanh chi bộ Đảng cũng được củng cố vững mạnh.
2- Những biện pháp diệt giặc đói :
Nạn đói lúc bấy giờ được coi như là một vấn đề “nước sôi lửa bỏng”. Công việc đầu tiên của chính quyền cách mạng Thủy Dương là giải quyết  vấn đề ruộng đất công một cách công bằng cho nhân dân. Xã đã thống kê hết ruộng công, căn cứ theo số dân, không kể già trẻ, gái trai, chính cư hay ngụ cư, chia ruộng thành từng lô, một tốt kèm một xấu, đánh số và nhân dân tiến hành bốc xăm, trúng đâu nhận đấy. Như vậy ai nấy đều hưởng sự công bằng và bình đẳng, không như trước đây, các phần ruộng tốt và thuận lợi đều rơi vào tay bọn người có “vai vế”, bọn “đàn anh” trong làng xã. Được nhận ruộng một cách công bằng, bình đẳng, đó là một hạnh phúc lớn của người nông dân lao động Thủy Dương, vì ước mơ ngàn đời của họ được thực hiện, nhất là đối với chị em phụ nữ, những người “bạch đinh” và bà con ngụ cư ở Xuân Sơn, Phường Chánh. Nhiều người đi nhận ruộng lòng sung sướng nghẹn ngào khó tả. Vì thế, ông Tá, một trong những người nghèo nhất xã trước đây, đã bốc thăm được lô ruộng tốt nhất, khi đi nhận ruộng, ông cảm động rưng rưng nước mắt.
Việc chia ruộng đất công thật công bằng, bình đẳng nói trên đã làm cho bà con phấn khởi, tin tưởng và càng thêm đoàn kết thân ái trong quan hệ xóm làng, quan hệ giai cấp, bà con lại càng thấy rõ chính quyền cách mạng Thủy Dương đúng là chính quyền của nhân dân lao động. Trên những mãnh ruộng được cách mạng chia cho mình, bà con nông dân Thủy Dương đã phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất cứu đói theo lời kêu gọi ngày 3-9-1945 của Hồ Chủ tịch “Tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa ! Đó là khẩu hiệu của chúng ta ngày nay. Đó là cách thiết thực để chúng ta giữ vững quyền tự do độc lập...”
Tổ chức nông hội của xã đã vận động nhân dân tổ chức vần công, đổi công và đoàn kết giúp đở nhau về giống má, về vốn, về nông cụ, trâu bò;  giúp nhau đào mương vét hói, đắp đập ngăn mặn hay cày cấy cho kịp thời vụ. Đồng thời với việc tăng gia sản xuất là biện pháp căn bản, nhân dân xã nhà còn tích cực hưởng ứng phong trào “hủ gạo tiết kiệm”, “ngày đồng tâm” cứu đói; phong trào góp “Qũy độc lập”, “Quỹ kháng chiến” do Hồ Chủ tịch phát động. Phong trào rất sôi nổi, vàng, bạc, đồng, tiền Đông Dương, ai có đều đem ra góp để ủng hộ chính phủ vượt qua khó khăn về tài chính. Những gia đình nghèo với tấm lòng đùm bọc nhau, đã triệt để thực hiện “hủ gạo tiết kiệm”, “ngày đồng tâm”. Mỗi bữa nấu bớt ra một ít gạo cho vào hủ gạo tiết kiệm, mười ngày lại nhịn ăn một bữa để góp gạo vào quỹ cứu đói.
Kết quả là toàn xã đã góp được hàng nghìn thùng gạo góp vào quỹ cứu đói hay quỹ nuôi quân và một số vàng, bạc, tiền góp vào quỹ độc lập. Nhưng kết quả quan trọng nhất là vụ mùa năm ấy có thu hoạch, nhân dân Thủy Dương vượt qua nạn đói kéo dài; lại có góp phần vào việc cứu đói trong huyện trong tỉnh và cả nước, đồng thời ý thức làm chủ đất nước, tinh thần đoàn kết thương yêu đùm bọc giữa đồng bào một xã, một huyện, một tỉnh và cả nước cũng tăng lên rõ rệt. Không khí làng xóm càng trở nên thân mật, phấn khởi, náo nức. Nhân dân cả xã Thủy Dương cùng cả dân tộc đã hồi sinh sau cách mạng Tháng tám và trong các phong trào cách mạng nói trên.
3- Phong trào diệt giặc dốt :
Chính sách ngu dân của Pháp - Nhật đã để lại hậu quả  nặng nề là 95% dân Thủy Dương bị mù chữ, đây là một sự tủi nhục cho dân. Để giải quyết tình hình đó, Ban bình dân học vụ do đồng chí Lê Trọng Từ đứng đầu đã tích cực vận động bà con đi học phân công người dạy và tổ chức lớp. Cả xã tổ chức được 11 lớp bình dân học vụ với khoảng hơn 500 học viên, giáo viên là một số thanh niên có học và có tinh thần cách mạng. Cứ đêm đêm là khắp xóm thôn rộn ràng không khí học bình dân học vụ. Sau khi mãn khóa, học viên thi đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận, có khen thưởng những học viên xuất sắc. Nhờ vậy, đến cuối năm 1946, Thủy Dương có hàng ngàn người thoát nạn mù chữ. Biết đọc, biết viết, nạn đói bị đẩy lùi, người nông dân Thủy Dương thêm sáng mắt, sáng lòng, sự làm chủ về chính trị của nhân dân cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, chính quyền cách mạng của xã cũng bắt  tay tổ chức nền giáo dục cho thế hệ tương lai. Tháng 9-1945, trường Thủy Dương khai giãng năm học đầu tiên dưới chế độ mới. Người trực tiếp giảng dạy là Thầy Lưu, Thầy Tiếu, những đảng viên rất thân thuộc với mọi nhà Thủy Dương, nên cả phụ huynh và học sinh đều rất phấn khởi, yên tâm.
Hoạt động văn hóa cũng phát triển mạnh. Nhà thông tin được xây dựng trên nương họ Ngô, bên cạnh đường cái chính đi qua làng. Tủ sách cũng đặt tại nhà thông tin có nhiều loại sách, báo mới nói về cách mạng, đã thu hút đông đảo người đọc. Tối tối, các tổ phát thanh bằng loa đã truyền đến nhân dân những tin tức về tình hình trong xã, trong nước hay chủ trương chính sách của Đảng. Bên cạnh đó là phong trào xây dựng đời sống mới, bải bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay; bải bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác.
Công tác y tế đã được tổ chức dưới hình thức trạm y tế, nhà hộ sinh, tủ thuốc để chăm lo sức khỏe của nhân dân, phong trào vệ sinh phòng bệnh được nhân dân tích cực hưởng ứng như xây giếng nước, dọn sạch đường làng, san lấp những cống rãnh và vũng nước tù đọng, hôi hám...
Tất cả những việc làm nói trên chứng tỏ tính chất tốt đẹp của chế độ mới, một chế độ vì hạnh phúc của nhân dân lao động.
4- Phong trào đấu tranh chống ngoại xâm và nội phản :
Theo Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), Pháp được đưa quân đến đóng ở khu vực phía Nam sông Hương từ cầu Tràng tiền  - Cầu Ga - Cầu An Cựu (chúng gọi là khu Tam giác sắt). Nhưng thực chất, chúng là kẻ thù chính của nhân dân ta, vì chúng nuôi dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Trước tình hình đó, giống như các địa phương khác của Huế và quanh Huế phải đề phòng mọi bất trắc. Việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương là một công việc cấp bách. Vì thế, Thủy Dương đã lựa chọn 200 thanh niên khỏe mạnh và hăng hái nhất để xây dựng Đội tự vệ chiến đấu của xã, được trang bị bằng dao găm, lựu đạn là chủ yếu. Trong số đó đã lập riêng một Trung đội xung kích tập trung làm nòng cốt trong việc chiến đấu bảo vệ quê hương khi hữu sự. Trung đội này được trang bị một trung liên, một vài tiểu liên, còn lại là súng trường, đồng thời cũng được luyện tập kỹ hơn, nhiều hơn. Ngoài ra toàn dân trong xã còn tự võ trang bằng giáo mác dao găm và các thứ có thể dùng đánh địch được để sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 23-9-1945, cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Nam bộ bùng nổ, cả nước hướng về Nam bộ thân yêu, ra sức chi viện cho cuộc chiến đấu anh dũng ở đấy. Tháng 10-1945, chính phủ ta phát động phong trào Nam tiến. Các đoàn tàu tốc hành nối đuôi nhau chở thanh niên, miền Trung, miền Bắc đi Nam tiến tiếp sức cho Nam bộ kháng chiến. Hưởng ứng phong trào ấy, ở Thủy Dương có hàng trăm thanh niên ghi tên xung phong đi Nam tiến. Có người đã góp xương máu của mình và vĩnh viễn nằm lại trên mãnh đất Nam bộ giàu đẹp của Tổ quốc như anh Lê Quý Cấp.
Đầu năm 1946, trung đội xung kích của xã đã lập công đầu bằng việc đập tan âm mưu phiến loạn của bọn phản động Quốc dân đảng tay sai Tưởng Giới Thạch. Bon này bày trò cắm trại ở Lăng Vạn Niên để tập họp lực lượng và khởi sự. Nhưng được nhân dân giúp đở, huyện biết được kế hoạch này và giao cho Trung đội xung kích Thủy Dương nhiệm vụ dập tắt vụ âm mưu ấy.
Nhận  nhiệm vụ trên giao, anh em đã cải trang dấu súng vào trong áo tơi và đã tiếp cận bao vây khu vực trại của bọn phản động. Bọn chúng phát hiện có ngươì bao vây, theo dõi nên đã lặng lẽ giải tán, không dám hành động gì. Còn ta, vì chúng không phạm tội quả tang nên đã để yên cho chúng giải tán, nhưng đã đạt được mục đích dập tắt âm mưu phiến loạn của chúng.
Còn bọn tay sai của Pháp trong xã thì từ lúc quân Pháp đến đóng quân ở khu “Tam gíác sắt”, đã rục rịch ngóc đầu dậy. Chúng liên kết với nhau và lén lút liên lạc với bọn Pháp để tiến hành phá hoại ta.
Nắm được tình hình này, Công an tỉnh đã giao cho huyện Hương Thủy nhiệm vụ trấn áp bọn chúng. Huyện Hương Thủy đã điều động một bộ phận trung đội tự vệ xung kích của Thủy Dương, đi làm nhiệm vụ trên. Các đồng chí ta đã hoàn thành nhiệm vụ rất nhanh gọn bằng cách bí mật đột nhập vào khu Pháp đóng quân, bắt cóc một số tên trong bọn chúng, đem về trụ sở “Nông dân xung phong” ở chân núi Động Sầm giao cho cấp trên khai thác tình hình.
Trong thời gian này, Thủy Dương cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ một Sĩ quan Nhật tiến bộ đã theo ta từ trước. Anh lấy tên Việt là Hùng, thường được gọi là Hùng Nhật. Để bảo vệ anh, xã đã bố trí nuôi dấu anh ở nhà đồng chí Lưu một cách chu đáo và an toàn. Đến cuối năm 1946, theo lệnh trên, xã đưa anh lên tỉnh làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự cho bộ đội của ta.
Ngoài ra, trong thời gian từ tháng 3-1946 xã cũng tổ chức những cuộc mít tinh phản đối những hành động sai trái của quân Pháp, đòi chúng thi hành đúng Hiệp định sơ bộ đã ký giữa hai bên.
III/ Công cuộc chuẩn bị kháng chiến :
Thực dân Pháp ngày càng phản bội Hiệp định sơ bộ, liên tiếp gây hấn và khiêu khích ta ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Hà Nội, phơi bày dã tâm của chúng quyết chiếm nước ta một lần nữa. Nếu ta tiếp tục nhân nhượng nữa thì sẽ mất độc lập- tự do. Nên ngày 5-11-1946, Hồ Chủ tịch ra chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ”, người yêu cầu toàn Đảng, toàn dân phải ra sức đẩy mạnh công cuộc kháng chiến trên tất cả các lãnh vực để sẵn sàng đối phó khi thực dân Pháp gây ra chiến tranh.
Đối với Huế, nhiệm vụ chuẩn bị kháng chiến là rất quan trọng và cấp bách, vì ở đây, theo Hiệp định sơ bộ, chúng được đóng ở đây khoảng 750 tên lính, cùng với 250 tên Pháp thường dân cũng được vũ trang đầy đủ, vị chi lực lượng Pháp ở Huế lên tới 1.000 tên.
Nếu chiến sự xảy ra ở Huế thì Thủy Dương có một vị trí quan trọng, vì xã ở cách phía Nam thành phố  độ 4 km, khống chế đường số 1 và đường sắt Bắc - Nam ra vào thành phố ở hướng này. Thủy Dương lại có vùng địa hình đồi núi phía Tây đường sắt Bắc - Nam và đường số 1, nên nếu ta xây dựng chiến khu ở Tây Nam thành phố Huế thì Thủy Dương có vị trí của một hành lang nằm giữa vùng ta và vùng địch tạm chiếm. Nếu chiến sự xảy ra thì Thủy Dương là địa bàn cửa ngõ qua đó ta tiến vào hay rút khỏi thành phố Huế từ hướng Nam để đánh địch, bao vây địch hoặc rút lui để bảo toàn lực lượng.
Bọn Pháp thấy rõ vị trí lợi hại đó của Thủy Dương, chúng có thể chiếm nơi đây để bao vây chiến khu của ta, cắt đứt đường tiếp tế và liên lạc từ thành phố, từ đồng bằng lên chiến khu của ta và ngược lại.
Do vị trí như vậy, nên Thủy Dương trở thành địa bàn đối đầu quyết liệt giữa ta và địch, vì mỗi bên đều quyết giành lấy Thủy Dương cho những ý đồ chiến lược của mình.
Về phía ta, Tỉnh ủy Thừa Thiên rất quan tâm đến việc làm cho Thủy Dương bước vào cuộc kháng chiến một cách vững vàng.
Về phần mình, lúc này Thủy Dương đã có một chi bộ lớn với một chi ủy gồm 5 đồng chí, được phân công như sau :
Đồng chí Phùng Lưu  :  Bí thư.
Đồng chí Lê  Bá Dõng : làm chính trị viên xã đội.
Đồng chí Phùng Huỳnh : làm phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính.
Đồng chí Lê Bá Đề : phụ trách Nông hội.
Đồng chí Lê Thị Bích Hà : làm bí thư Phụ nữ xã.
Còn các đảng viên, mỗi đồng chí một việc cụ thể, nhưng tựu trung là tăng cường tuyên truyền, động viên, giải thích cho nhân dân về nhiệm vụ kháng chiến là không thể tránh khỏi, là phải hy sinh, gian khổ để nhân dân chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần và tâm lý, đồng thời tự giác, chủ động tham gia công tác chuẩn bị kháng chiến.
Để chỉ đạo công tác thật chặt chẽ  và thông suốt, Uỷ ban nhân dân cách mạng được cải tổ thành Ủy ban kháng chiến hành chính. Việc đầu tiên của ủy ban là tổ chức cho đa số nhân dân tản cư sang Thanh Thủy Chánh, Tây Hồ, Lang Xá. Tại xã chỉ còn lại lực lượng bảo đảm sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
Ban nông hội xã động viên bà con nông dân tranh thủ cấy hết ruộng, làm Đông Xuân kịp thời vụ và thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến” theo lời Bác Hồ dạy : “Nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc lúc này là : một mặt phá hoại, một mặt kiến thiết, phá hoại đề ngăn địch, kiến thiết để đánh địch”.
Thực hiện lời dạy trên, bà con Thủy Dương vừa ra sức sản xuất, vừa làm “vườn không, nhà trống”, bằng cách đào hầm dấu hết thóc gạo, dấu trâu bò, không để cho kẽ địch lợi dụng một thứ gì.
Hội phụ nữ động viên chị em tích cực chăn bón ruộng đồng, xay thóc giã gạo để dự trữ đủ dùng 2, 3 tháng và để ủng hộ bộ đội. Hủ gạo ủng hộ bộ đội của gia đình nào cũng đầy ắp. Nữ thanh niên cũng tham gia dân quân tự vệ, đi tập bắn súng, ném lựu đạn.
Lực lượng vũ trang của xã đã được tăng cường, Trung đội xung kích thường trực bây giờ còn được coi là đơn vị cảm tử quân có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh tiêu diệt địch. Các lò rèn trong xã đã sản xuất nhiều dao, kiếm để trang bị cho nhân dân. Dưới lũy tre xanh của làng là hệ thống hầm hào và công sự chạy khắp làng. Các ngã đường dày đặc các ụ cản địch. Công tác phục vụ và phối hợp tác chiến với mặt trận Huế cũng được vạch ra rõ ràng.
Đầu tháng 12-1946, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên  về Hương Thủy để kiểm tra việc chuẩn bị kháng chiến và động viên tinh thần nhân dân, đã tổ chức cuộc nói chuyện về chiến tranh du kích và xây dựng phong trào du kích cho cán bộ toàn Huyện ở Đình làng Dạ Lê. Trong số người dự, có nhiều cán bộ, đảng viên Thủy Dương.
Đến giữa tháng 12- 1946, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thay mặt xứ ủy Trung kỳ triệu tập Hội nghị quân sự đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên. Hội nghị đã đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và Pháp và bàn kỹ cách đánh địch. Sau đó đồng chí đi kiểm tra công tác chuẩn bị kháng chiến của Huế và các huyện, đã trực tiếp đến kiểm tra công việc và động viên tinh thần kháng chiến của nhân dân xã nhà. Chi bộ Đảng của xã đã tổ chức cuộc họp tại Nhà Thông tin nghe đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói chuyện về mục đích cuộc kháng chiến, về tính chất toàn dân, tính chất lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đồng chí nói đại ý : Cuộc kháng chiến có thể lâu dài, Pháp có thể chiếm lại Huế, Thừa Thiên, tình hình sẽ khó khăn, gay go, nhưng đảng viên Cộng sản phải đứng mũi chịu sào, xung phong gương mẫu, gan dạ dũng cảm bám dân, bám đất, tổ chức và lãnh đạo nhân dân kháng chiến; trong tình huống nào cũng không được bỏ dân mà chạy, dù có chết cũng chết với dân. Đảng viên nào chạy thì khai trừ, quần chúng nào gan dạ, dũng cảm đánh  giặc thì bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.
Những điều đồng chí Nguyễn Chí Thanh căn dặn, cán bộ đảng viên Thủy Dương coi đó là chỉ thị của Đảng đối với mình, nên mỗi người đều tăng thêm quyết tâm làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo quần chúng.
Việc đi thăm và những lời căn dặn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng là một sự động viên, khích lệ to lớn và kịp thời đối với nhân dân Thủy Dương vững bước tiến lên trong chặng đường mới đầy thử thách.
Cũng thời gian này, Thủy Dương được chọn là địa bàn tập kết của các cơ quan Huyện Hương Thủy và một bộ phận của lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên. Vì thế, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện cùng các cơ quan phụ thuộc về đóng tại Đình làng và Chùa Thanh Quang. Phân cục phía Nam của Tỉnh ủy về đóng tại một gia đình cơ sở trong xã. Vì thế Thủy Dương phải chuẩn bị lực lượng để bảo vệ và giúp đở các cơ quan này.
Trong thời gian này, phái đoàn Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu, trên đường vào Nam công tác đã ghé vào thăm Thủy Dương. Xã đã tổ chức một cuộc mít tinh trọng thể tại nhà Văn thánh để chào mừng đoàn. Sau những sự kiện trên, không khí chuẩn bị kháng chiến của Thủy Dương càng sôi nổi, khẩn trương. Mọi người, mọi nhà đếu sẵn sàng góp sức lực, của cải cho kháng chiến. Nhờ thế, khi Pháp gây chiến, Thủy Dương đã lập công ngay từ những trận đầu tiên.
Tóm lại, từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, trong vòng 16 tháng, với tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do mãnh liệt, với sức mạnh do Đảng và chế độ dân chủ cộng hòa đưa lại, nhân dân Thủy Dương đã tích cực chủ động, sáng tạo và bền bỉ vượt qua mọi khó khăn hiểm nghèo để góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ và củng cố thành quả cách mạng Tháng tám một cách có hiệu quả; đồng thời chuẩn bị về cơ bản để bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ rõ là không thể tránh khỏi. Trong 16 tháng đó, Thủy Dương đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào :
Một là : Đẩy mạnh được phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đẩy lùi được nạn đói, cải thiện một bước đời sống nhân dân, đồng thời có dự trữ để ủng hộ bộ đội, đóng góp với chính phủ để chính phủ nuôi cán bộ, bộ đội. Bên cạnh đó, đã căn bản xóa bỏ nạn mù chữ, giúp nhân dâ mở rộng tầm hiểu biết của mình và do đó tăng cường quyềm làm chủ của nhân dân.
Hai là: Xây dựng được khối đoàn kết toàn dân xung quanh sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và sự chỉ đạo của chính quyền nhân dân. Nhờ thế đã vượt qua và đẩy lùi được những khó khăn nguy hiểm do kẻ địch gây ra, bảo vệ, củng cố và phát triển được thành quả cách mạng Tháng tám.
Ba là : Xây dựng được lực lượng vũ trang của xã khá vững mạnh, trấn áp các âm mưu ngóc đầu dậy phản cách mạng của bọn phản động địa phương; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng phương án tác chiến tại chổ và phương án hổ trợ với thành phố Huế; đồng thời hoàn thành về cơ bản các công tác chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Bốn là : Hoàn thành nhiều công tác cách mạng khác do cấp trên giao cho địa phương như : bảo vệ các cơ quan của huyện, của tỉnh về đóng tại địa bàn của xã; bảo vệ an toàn người sĩ quan Nhật giác ngộ để anh có điều kiện đóng góp sức lực, tài năng vào cuộc  đấu tranh của nhân dân ta, biểu hiện sự giác ngộ về tinh thần Quốc tế vô sản của nhân dân  Thủy Dương, bảo vệ an toàn cuộc ghé thăm của đồng chí Lê Duẩn ở địa phương.v.v..
Hơn một năm đầy sóng gió và thử thách mà làm được những việc lớn như vậy, đó thật là một kỳ tích, kỳ tích đó là bằng chứng hùng hồn chứng minh tinh thần yêu nước, yêu độc lập và tinh thần tiến công cách mạng của nhân dân Thủy Dương; đồng thời thể hiện tính ưu việt của chính  quyền cách mạng và của chế độ dân chủ cộng hòa, đã biết khơi dậy, động viên và tập hợp sức mạnh của những giai cấp lao khổ.
Có thấy hết khó khăn thử thách mới thấy hết giá trị của chiến công. Trong khi đói, rét vẫn đi học bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ, trong khi đói, rét vẫn đẩy mạnh được sản xuất, cày cấy hết diện tích để khỏi đói rét, vừa thoát khỏi đói rét, chưa dư dật gì mà đã hăng hái đóng góp nuôi quân, dự trữ cho kháng chiến...Cách mạng là ở chổ đó.
Đói mà không mất ý chí, rét mà không run, tinh thần vẫn phấn chấn để làm những việc cần làm. Cách mạng là ở chổ đó. Thủy Dương đứng vững và chiến thắng là nhờ tinh thần ấy.
Tất cả những kỳ tích và tinh thần cách mạng tiến công của nhân dân Thủy Dương trong 16 tháng phấn đấu từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946 không tách rời sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là của Chi bộ Đảng Thủy Dương. Sự thành lập và trưởng thành của chi bộ Đảng chính là sự kết tinh của quá trình giác ngộ cách mạng của toàn dân Thủy Dương. Ngược lại, chi bộ được thành lập, trực tiếp lãnh đạo công cuộc cách mạng ở xã, đã củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân toàn xã vào tiền đồ của cách mạng, tiền đồ của xã nhà.

                                                                                                                                                         (Còn nữa)
                                                                                                       Trích: Lịch sử phong trào yêu nước và cách mạng xã Thủy Dương (1925-1985)

                                                                                                                                        NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA 2-2008

 

 

 

BBT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.171.521
Truy câp hiện tại 186