Dân làng TTT tiếp thu Tam giáo, nhưng đã vận dụng vào thực tế địa phương của mình , tạo nên một sắc thái riêng .
Lễ giáo phong kiến đặt ra nhiều nghi lễ phức tạp. Cưới xin phải tiến hành tuần tự nhiều nghi lễ mới lấy được vợ : Vấn danh, nạp thái, nghinh hôn, gia tiên, tơ hồng, hợp cẩn, lạy mặt, lễ tạ. Những nghi lễ này chỉ có những nhà giàu mới thực hiện đầy đủ. Nhà nghèo chỉ cần hai lễ quan trọng đó là lễ Đính hôn ( lễ hỏi vợ ) và lễ Nghinh hôn ( lễ cưới ). Những nhà quá khó khăn chỉ cần mâm trầu cau cũng nên vợ nên chồng.
Ma chay cũng có nhiều nghi lễ : Lễ kết hồn bạch, lễ hú hồn, phạn hàm, tiểu liệm, đại liệm, nhập quan, thành phục, tiêu điện, tịch điện, di quan, hạ huyệt, lễ sơ ngu, tái ngu, tam ngu, tứ cửu, chung thất, bách nhật, tiểu tường, đại tường, Đoan tất, Trừ phục…Tang ma ở TTT không có tục lệ bày cổ linh đình tốn kém. Gia đình có người chết chỉ dọn cổ mời những người đi đưa đám gọi là cổ họ Hiếu. Các nghi lễ đám tang thường được cử hành theo nghi thức Phật giáo, nặng về tinh thần và tâm linh. Tất cả tập trung vào hai việc quan trọng đó là đón tiếp chu đáo khách đến phúng điếu và thành tâm cầu nguyện cho người chết được siêu thoát .
Dân làng TTT vốn mang trong mình khả năng thích ứng với mọi tình thế . Trước những nghi lễ phiền phức đó, họ có quan niệm trong sáng : Phú quý sinh lễ nghĩa – Giàu có mới đặt ra nhiều lễ nghĩa, còn nghèo khổ thì : Tùy gia phong kiệm – tùy hoàn cảnh gia đình mà tiết kiệm, cho nên những nghi lễ nào cần thiết nhất mới sử dụng , còn lại thì miễn giảm . Ngoài ra dân làng còn mở ra nhiều phương thức để vượt ra khỏi vòng lễ giáo phong kiến nghiêm ngặt. Nếu Nho giáo đề cao vai trò quyết định của người gia trưởng, thì dân làng lại quan niệm con cái được xem là niềm hy vọng của gia đình: “ Con hơn cha là nhà có phúc”, “ Trẻ cậy cha, già cậy con ”. Đối lập với quan niệm của Nho giáo, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng được đề cao : “ Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn ”, “ Đàn ông cái dũi, đàn bà cái oi ”.
Quần thể kiến trúc Chùa-Văn Thánh-Đình của làng TTT
(được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật)
Đến thời Minh Mạng, Thiệu trị, tính chất vương quyền ngày càng giảm sút, các triều đại này đã tăng cường thêm một công cụ mới về tinh thần : Đó là Thần quyền. Triều Nguyễn thể hiện uy quyền của mình bằng cách sắc phong thần cho các quan lại đã chết làm Thành hoàng các làng xã. Làng TTT cũng được các vua Nguyễn sắc phong Kỷ mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục làm Thành hoàng. Dân làng TTT không thờ Thành hoàng ở đình làng như các địa phương khác, mà thờ ở Miếu làng, chỉ rước về đình làng những khi tế lễ. Đình làng TTT là nơi trang nghiêm nhưng gần gũi dành thờ 13 vị Khai canh của làng. Đây là nét đặc sắc về đức tin của dân làng TTT.
Đạo giáo cũng là một luồng tư tưởng và tín ngưỡng từ Trung Quốc truyền bá vào nước ta. Học phái chính được phổ biến sâu rộng đến các làng xã đó là Đạo phù thủy, với rất nhiều phương thuật dân gian như xem sao, bói toán, cúng quỷ thần, đồng cốt, chữa bệnh bằng bùa phép…Đạo này cũng gây ảnh hưởng sâu sắc đến dân làng như mê tín dị đoan, tin vào số mệnh, bói toán…Thế nhưng Đạo giáo không được truyền bá dễ dàng vào TTT, những điều mê tín dị đoan đều bị chống trả bằng sức mạnh của nền văn hóa cổ truyền và kinh nghiệm thực tiển. Họ cho rằng “ Bói ra ma, quét nhà ra rác ”. Họ phủ nhận giá trị của số mệnh, không tin rằng đời người do trời định sẵn mà đề cao đạo đức của con người: “ Tướng bất cập số, số bất cập đức.” Nhiều câu ca dao, chuyện kể dân gian phổ biến trong làng nhằm chế nhạo ông phù thủy sợ ma, các bà đồng cốt.
Phật giáo được truyền bá vào làng từ rất sớm. Ngay những ngày đầu thành lập làng đã có chùa Nam Sơn, Đông Hải. Sau đó nhiều chùa được xây dựng : Thanh Quang, Diệu Viên, Hoa Nghiêm, Thanh Hương, Kim Sơn, Phú Cát.
Đạo Phật chủ trương mọi chúng sanh đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật. Phật khuyên mọi người nên tiết chế dục vọng, làm điều lành tránh điều ác. Thuyết Nhân quả nghiệp báo của Phật giáo phù hợp với tín ngưỡng dân gian Việt về ông Bụt, ông Trời thường giúp đỡ người hiền lành, trừng phạt kẻ gian ác. Thuyết luân hồi cũng phù hợp với quan niệm linh hồn tồn tại sau khi xác thân tiêu hoại , cũng phù hợp với nhận xét về sự tuần hoàn của cỏ cây của cư dân nông nghiệp. Vì thế tư tưởng Phật giáo ảnh hưởng khá sâu sắc đến dân làng.
Các tôn giáo không phải du nhập vào đã thu phục ngay sự tin theo của dân làng. Không một tôn giáo nào tạo nên được ở người nông dân sự cuồng tín. Những tôn giáo trên được dân làng trung hòa vào tín ngưỡng dân gian thành Đạo Thờ cúng Tổ Tiên. Đây là tín ngưỡng phổ biến nhất ở Thanh Thủy Thượng:
“ Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ , chính là tu Tâm .”
Dân làng TTT đặt nặng việc biết ơn ông bà Tổ tiên. Khi ông bà cha mẹ còn sống thì lo chăm sóc phụng dưỡng chu đáo, khi chết thì lo thờ tự, kỵ giỗ để tưởng nhớ. Quan điểm ở hiền gặp lành tác động sâu sắc đến đời sống và tư tưởng dân làng. Khi sống thì làm điều lành tránh điều ác . Đến khi chết dù không phải Phật tử, gia đình nào cũng cử hành tang lễ theo nghi thức Phật giáo để nguyện cầu cho người thân của mình được siêu thoát về cõi an vui.
Thờ Phật kết hợp thờ cúng Tổ tiên là nét chung nhất về tín ngưỡng của dân làng Thanh Thủy Thượng.