Tìm kiếm tin tức
Thu tế -hay Lễ hội mùa thu – Lễ hội truyền thống Làng Thanh Thủy Thượng
Ngày cập nhật 29/09/2014

Hàng năm, cứ đến thượng tuần tháng bảy nhằm ngày chữ Đinh, trực Thu, làng Thanh Thủy Thượng (TTT) tổ chức tế lễ mùa thu . Đây là lễ tế ngài Thành hoàng bổn thổ và 13 vị Khai canh của làng. Lễ hội mùa thu là lễ hội lớn nhất của làng TTT.

Buổi chiều trước ngày chánh tế, làng tổ chức cuộc thi chăn nuôi vật tế giỏi. Bốn ấp mang những con vật tế đã nuôi trong năm đến cột quanh đình làng. Các vị chức sắc chấm điểm, những con vật nào mập, khỏe nhất sẽ có giải thưởng của làng. Chấm điểm xong, các ấp mang những con vật tế về ấp mình để làm cổ cho lễ tế. Chỉ có con vật có giải thưởng vinh dự ở lại, huyết của con vật này được dâng cúng trong lễ Mao yết.
 
Sau cuộc thi, làng tổ chức lễ Yết, đây là lễ cáo trời đất chuẩn bị cho  lễ chánh tế ngày mai. Suốt đêm đó, đình làng TTT sáng rực hương đèn. Trước sân đình, các cụ tụ họp từng nhóm để nói chuyện, đánh tổ tôm, chơi cờ tướng…Đến giờ Hợi, bộ nội tạng của con vật tế được nấu cháo để cúng lễ Trung trai.
 
Buổi sáng ngày chánh tế, làng tổ chức lễ rước sắc phong và linh vị của ngài Thành hoàng Kỷ mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung Tôn thần.
 
Lễ rước sắc xuất phát từ đình làng. Dẫn đầu có 16 thanh niên mang Lỗ bộ đi hai hàng, những công việc này ưu tiên dành cho những cậu tập ấm con của những quan lại được mang hàm Viên tử.
 
Hai thanh niên dẫn đầu đoàn rước cầm cặp biển có khắc chữ Tĩnh túc và Hồi tị. Thấy cặp biển này dân làng phải nghiêm túc chào đón và tránh đường cho đoàn đi qua. Hai thanh niên tiếp theo mang cặp búa vàng , thể hiện uy quyền. Theo sau là cặp tay văn, tay võ thể hiện tài trí.Tiếp theo là cặp chùy, cặp gươm thể hiện sức mạnh. Cặp gậy đầu rồng và cặp tiết mao thể hiện đã được triều đình sắc phong, ban tặng.
 
Sau đoàn Lỗ bộ là đoàn bát âm: gồm chiên trống các loại nhạc khí. Đoàn vừa đi vừa đánh chiên trống có lễ nhạc của nhóm bát âm phụ họa. Sau đoàn bát âm là kiệu cung nghinh linh vị và sắc phong của ngài Thành hoàng gồm bốn người khiêng. Sau cùng là các vị chức sắc của làng, tân cựu Thập nhị Tộc trưởng, các bô lão.
 
Về đến đình làng, bài vị và sắc phong của ngài Thành hoàng được đặt trang trọng trên án giữa trước Từ Đường.
 
Lễ thu tế :
 
Sáng ngày chánh tế, các án thờ trầm hương nghi ngút, lễ vật đã được sắp đặt đầy đủ. Ban tế lễ gồm chánh bái  là Thủ chỉ làng, phụ bái là các vị Tộc trưởng được Thủ chỉ làng phân công luân phiên đứng lễ. Hai vị đánh chiên trống cũng là các vị Tộc trưởng. Ban chấp sự gồm bộ phận xướng lễ từ 2 hoặc 3 người, dâng rượu có 6 người, điển lễ 3 người, đọc Văn tế 1 người.Tất cả đều mặc áo thụng xanh sẵn sàng cho buổi lễ.
 
Ba hồi chiên trống dòn dã vang lên. Buổi tế lễ bắt đầu. Nhóm xướng lễ điều hành buổi lễ :
 
Xướng : Chấp sự giả, các tư kỳ sự. ( Công việc bắt đầu, ai lo việc nấy.)
 
Các chấp sự đứng vào vị trí của mình. Chánh bái và bồi bái đứng trước các hương án.
 
Xướng : Củ soát lễ vật.
 
Hai chấp sự cầm đèn hầu vị chánh bái vào nội điện kiểm soát lại lễ vật.
 
Xướng : Tựu vị.
 
Chánh bái trở về vị trí của mình.
 
Xướng : Nghệ quán, tẩy sở.
 
Chánh, bồi bái đến rửa tay ở thau nước có sẵn, xong lau tay.
 
Xướng : Phế cân, phục vị.
 
Chánh, bồi bái trở về đứng nghiêm trang trước hương án.
 
Xướng : Lễ tứ bái. Hưng…Bái…( 4 lần ).
 
Chánh, bồi bái lạy bốn lạy theo nhịp hô của xướng lễ.
 
Xướng : Bình thân ! Quỳ .Hành sơ hiến lễ.
 
Chánh ,bồi bái quỳ trước hương án.
 
Xướng : Chước tửu!
 
Người dâng rượu đưa khay có bình rượu cho chánh bái. Chánh bái nhận khay hướng về bàn thờ vái ba vái. Trả khay cho người dâng rượu.
 
Xướng : Hiến tửu.
 
Ba chấp sự rót rượu vào các tách đặt ở hương án. Xong đặt khay rượu trên bàn thờ.
 
Xướng : Thiệu cước, Phục vị.
 
Ba người dâng rượu đi bước giật lùi ra ngoài.
 
Xướng : Bình thân !
 
Chánh, bồi bái đứng dậy.
 
Xướng : Độc chúc. Giai quỳ.
 
Người đọc sớ bưng khay sớ cho chánh bái nhận và vái một vái.
 
Xướng : Chuyển chúc !
 
Chánh bái trao khay sớ lại cho chấp sự. Chấp sự đưa cho người đọc sớ.
 
Xướng : Độc chúc văn.
 
Bản Văn tế của làng có hai phần. Phần đầu là chúc văn về Thần hiệu, phần tiếp là chúc văn Khai canh đứng đầu là ngài Thành hoàng bổn xã và thứ tự 13 vị Khai canh.
 
Người đọc sớ đọc lớn toàn bản văn tế.
 
Xướng : Hiến tửu . Lễ tứ bái !  Hưng… Bái ! ( 4 lần ).
 
Chánh, bồi bái lạy bốn lạy theo lời xướng.
 
Xướng : Bình thân ! Phục vị. Thiệu cước !
 
Tất cả lui ra, nhường chỗ cho các vị khác vào lễ lạy.
 
Xướng : Phục vị
 
Các bộ phận trở lại vị trí ban đầu.
 
Xướng : Tiến trà !
 
Ba người  vào dâng trà ở nội điện. Rót trà vào tách.
 
Xướng : Phần chúc !
 
Người đọc sớ đem chúc văn ra đốt tại chiếc đỉnh trước sân đình.
 
Xướng : Lễ tạ tứ bái. Hưng… Bái ! ( 4 lần ).
 
Chánh, bồi bái lễ tạ bốn lạy theo lời xướng
 
Xướng : Lễ tất !
 
Chiên trống cử ba hồi, không có ba tiếng như ban đầu.
 
 
 
Sau buổi lễ, các vị chức sắc ở lại nhà trai soạn bên phải đình để dùng cỗ. Dân làng ở ấp nào trở về ấp ấy để ăn cỗ.
 
Buổi chiều, nhiều năm làng tổ chức các trò chơi dân gian : đập om, kéo co , nhảy bao bố, bịt mắt nấu cơm…. Sáng mai sau khi cúng trà xong, các vị chức sắc đốt giấy vàng mã. Làng tổ chức cung nghinh linh vị, sắc bằng trở về Miếu làng . Lễ thu tế kết thúc.
 
Trong dịp thu tế, nếu đồng ruộng trước đình làng ngập nước thì thỉnh thoảng làng tổ chức đua ghe. Nhiều năm, làng lấy bến Quan làm trung tâm xuất phát. Vòng đua là hói ngang trước đình làng. Vè cắm từ Nhất đập đến gần miếu ông Mốc. Trước khi bắt đầu cuộc đua, một vị chức sắc trong làng mặc áo thụng xanh, thắt ngang lưng một giải lụa điều, đến trước bàn thờ mới lập khấn vái cho làng được mưa thuận gió hòa, được mùa lúa tốt. Sau đó cầm đùi trống lệnh, bắt đầu điều khiển cuộc đua.
 
Dưới gốc ba cây tre cao có buộc những dãi lụa điều bay phất phới trước gió, những chiếc chèo lái được gát một hàng. Trong tư thế sẵn sàng, ba hồi trống lệnh vừa dứt những người chèo lái nhanh chóng lấy chèo nhảy xuống ghe bắt đầu xuất phát. Thông thường hàng năm làng có 5 ghe dự đua. Mỗi ấp một ghe, xóm Lò có riêng một ghe. Từ khi bắt đầu xuất phát, vòng qua vè rún trước Trung tâm là giai đoạn khó khăn nhất, người đua cần nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm. Đây là lúc các ghe cầm cự, tranh nhau căng thẳng. Nhiều chiếc bị kềm chặt, ghe chìm các tay đua bị rơi xuống nước, phải nhanh chóng khắc phục đẻ tiếp tục đua. Qua khỏi vè rún là giai đoạn cần sức mạnh dẽo dai của các tay bơi và sức vượt của ghe. Những khán giả trên bờ hay dưới thuyền đều có một chiếc ghe đua của mình – tùy theo ấp mình ở – Có những cổ động viên cuồng nhiệt chạy theo ghe đua khoát nón, vẫy tay cổ động. Mọi người bị cuốn hút vào vòng đua. Tiếng trống dục lẫn tiếng “ Dồn la dồn! lên la lên !” làm khoáy động cả một góc làng vốn yên tĩnh. Ghe của ấp nào đến bến trước, người trong ấp tung mũ nón hò reo vui sướng.
 
Kết thúc ngày đua, các ghe đoạt giải đều có thưởng. Giải Cúng và giải Phá là giải thưởng danh dự, thường là mâm cau trầu rượu, những dãi lụa điều . Các giải khác được nhận tiền, chai rượu hoặc gói trà.
 
Đua ghe là một hình thức sinh hoạt bổ ích, đó không chỉ là ngày hội vui của của toàn làng sau những ngày lao động nặng nhọc, mà qua đây cũng thể hiện việc thi thố tài năng, thể lực của trai làng về môn thể thao của dân tộc.
 
Làng Thanh Thủy Thượng chuyên sản xuất nông nghiệp. Trong lịch sử phát triển,  làng phải trường kỳ đấu tranh chống thiên tai khắc nghiệt, cho nên nội dung cơ bản của các lễ Hội làng ở TTT là thể hiện lòng biết ơn Liệt vị tiền khai canh hậu khai khẩn, cầu mong cho làng được an vui hạnh phúc. Hội làng TTT không chỉ đơn thuần là những buổi tế lễ có tính chất thần linh mà đó là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp giữa tinh thần và vật chất. Nét đặc sắc của Hội làng TTT không mang tính chất mê tín dị đoan. Ngoài những vị thần theo tín ngưỡng dân gian như Ngũ hành nương nương, Quan Thánh đế quân, Thiên Y A Na, những vị mà dân làng tế là những người có công với nước như Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục, Hoàng Thái phi Hồng quận phu nhân, mười ba vị khai canh là những người thật việc thật.
Lễ Cung nghinh Thần hoàng 
Về mặt tổ chức, những ngày hội làng thường có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần hội có việc ăn uống “ trước cúng sau cấp ”, đó chỉ là việc “ thừa thần như huệ ” tức là chỉ hưởng những vật thực sau khi đã cúng lễ ơn trên. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian lành mạnh. Không có sinh hoạt văn hóa nào thu hút toàn dân như ngày hội làng. Sức người sức của được đầu tư để tổ chức cho ngày hội được đông vui, vừa để bồi dưỡng tinh thần cũng như vật chất cho dân làng, vừa thể hiện niềm ước vọng hướng tới một cuộc sống ấm no hạnh phúc .Cho nên, những ngày hội làng ở TTT còn là dịp để kết tinh nên tình yêu quê hương làng nước, nối kết ý thức cộng đồng giữa mỗi thành viên trong làng. Những ngày hội làng làm cho dân làng gắn bó, xích lại gần nhau hơn.
 
Nói tóm lại, các ngày hội làng ở Thanh Thủy Thượng là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong đó yếu tố lành mạnh là chủ yếu. Ngày nay, trong quá trình xây dựng làng văn hóa, những nét tích cực của hội làng cần bảo lưu để vun đắp ý thức uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê cha đất mẹ, tiếp tục phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
Nguyên Tri Ngô Văn Phố
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.171.521
Truy câp hiện tại 242