Tìm kiếm tin tức
Địa lý tự nhiên làng Thanh Thủy Thượng
Ngày cập nhật 03/10/2014
Quần thể kiến trúc Đình - Chùa làng
“Quê hương tôi sống trong bỏng cháy,
Đất xới bom thù; úng, hạn , mặn , chua
Dòng Lợi Nông mãi thiếp trong mơ
Nắng đục, mưa trong hai bờ xơ xác...
 
 
 
...Hòn Độn Sầm dáng voi nằm chững chạc,
Chân đạp gò cao, vòi thả xuống đồng
Cũng không xoay được núi,chuyển được sông
Ngăn mặn biển dâng, chống mòn xói lũ.
Ruộng rẫy, nương , hồ quê tôi dù đủ,
Thêm tiếng Bàu Choàng có cá rô ngon.
Giữa cố đô lộng lẫy vàng son,
Đường sắt bộ tỏa ngược xuôi Nam Bắc,
Đủ vậy đó mà vẩn đời cơ cực…”
 
Những câu trong bài thơ “Quê hương ơi biết mấy tự hào” của Cụ Trần Duy Khôi (Chủ tịch Hội CCB đã qua đời) đã khắc họa một cách khái quát đất nước, con người Thanh Thủy Thượng (TTT) trước cách mạng tháng Tám 1945.
 
Rời khỏi thành phố Huế, qua vùng An Cựu, theo đường Quốc lộ I, tiến về phía Nam, bắt gặp vùng dân cư đầu tiên nằm sát hai bên đường. Đó là làng TTT. Làng TTT nay thuộc phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Là cửa ngõ đi vào thành phố Huế, làng TTT nam giáp làng Dã Lê Thượng ( Phường Thủy Phương ) đông giáp Thanh Thủy Chánh ( Xã Thủy Thanh ), phía tây nối liền với dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Cho đến đầu thế kỷ XVIII, TTT vẫn còn là một vùng rừng núi.Thú dữ, vượn nai.. sinh sống quanh hòn độn Sầm. Ở giữa làng có con đường Cái Quan ( nay là con đường giữa ) nối liền hai miền Nam Bắc. Hai bên đường lau sậy , cây cối um tùm.
Dựa vào địa lý tự nhiên, các vị Khai canh làng TTT vừa khai phá, vừa xây dựng địa cuộc, với mong ước phát triển bền vững lâu dài cho con cháu mai sau.
Miếu Thành Hoàng làng (vừa được trùng tu năm 2013)
TAM SƠN, TỨ HẢI
Lúc từ Thanh Thủy Chánh mới lên (Cảnh Hưng nguyên niên – năm 1740), dân làng TTT chủ yếu khai phá vùng đất trung tâm làng – từ đường Cái quan xuống đường Bến – xây dựng thành khu dân cư. Vùng đất thấp trước làng được san bằng thành đồng ruộng. Đất đồi phía sau được xây dựng thành khu nương rẫy.
Từ đồng ruộng nhìn vào Tam Sơn
Về địa lý, nói theo thuật phong thủy thì làng TTT tọa lạc trên địa cuộc một con dơi. Sau lưng là ba hòn núi lớn gọi là Tam Sơn: bao gồm hòn độn Rùa (còn gọi là độn Lăng có hai đỉnh ) và độn Sầm . Ngày xưa dãy Tam Sơn được các nhà địa lý gọi là thế đất “Lưỡng long tranh châu” hay “Lưỡng long triều nguyệt” ( Hai con rồng chầu mặt trăng ) .
 
“ Thanh Thủy giáp Dã Lê, hữu đế vương nhất huyệt ”.
( Làng TTT giáp Dã Lê, có một huyệt mộ phát làm vua ).
 
Với tính cách đặc biệt của địa cuộc đó, vua Tự Đức đã có kế hoạch lập lăng mộ tại đây. Vua đã cho xây dựng một bến nước bằng đá ( Bến Quan ) để tập kết vật liệu xây dựng, tiến hành khởi công. Dân làng cho rằng nếu vua lập lăng mộ trên dãy Tam Sơn thì tinh khí của làng không còn nữa. Do đó làng lấy cớ dân TTT chủ yếu là lính tượng binh, vua không thể ở với lính giữ voi. Vì thế lăng Tự Đức được chuyển lên xây dựng ở phường Thủy Xuân hiện nay.
 
Dãy Tam Sơn và vùng đồi rẫy phía sau tạo thành khu hậu làng. Nước từ khe Chùa chảy về Cống Cao ở họ Phùng được dân làng đào con hói dọc theo đường Bến, nước chảy bọc quanh vùng dân cư trước làng theo thế “Thủy đáo đường ”. Dọc đường Bến, các vị khai canh cho xây dựng bốn bến nước để phục vụ giao thông, nông nghiệp gọi là Tứ Hải: Bến Đình, Bến Chợ, Bến Quan, Bến Đá.
 
BẾN ĐÌNH
Lúc mới từ Thanh Thủy Chánh lên, đình làng được xây dựng ở khu vườn ông Phùng Ổi (nay ở Tổ 8 ). Vì thế bến nước này được gọi là bến Đình.
 
BẾN CHỢ
Khi mới lập làng, chợ TTT ở tại khu đất ông Ngô Văn Thêm và ông Oanh hiện nay. Bến nước ở đập ông Viên Thêm là Bến Chợ. Đến năm 1885 hệ thống đường Quốc lộ được xây dựng qua làng. Để thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán, làng đã cho xây dựng chợ mới ở khu đất sát cổng chào đi vào chùa Nam Sơn. Mặt trước là đường quốc lộ, mặt sau là đường tàu hỏa. Làng đổi đất chợ cũ cho nhà ông Viên Thêm, lấy đất xây dựng nhà Văn Thánh, sau này trở thành trường Tiểu học Thanh Thủy Thượng .
 
BẾN QUAN
Bến nước ở đường chợ Mai, trước trường Tiểu học Thanh Tân ngày nay. Vua Tự Đức có ý định xây lăng mộ trên dãy Tam Sơn, nên đã cho quan quân xây dựng bến đá để vận chuyển vật liệu xây dựng. Vua Tự Đức đã đáp thuyền ở bến này để lên thị sát Tam Sơn. Khi lăng Tự Đức được chuyển đi nơi khác, Bến Quan được sử dụng nhiều lần cho đội Tượng binh tập dượt, thi tài. Trước Bến Quan có đầm Nguyệt Trì rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các đội Tượng binh dụng võ. Sau đó, Bến Quan được sử dụng làm điểm trung tâm để tổ chức những buổi đua thuyền vào các ngày Hội làng.
 
BẾN ĐÁ
Lúc đào con hói dọc đường Bến, đến đoạn giáp làng Dạ Lê thì ở đây toàn là đá, vì thế bến nước này được gọi là Bến Đá. Do cùng một gốc, dân làng Thanh Thủy Chánh được chôn cất người chết ở vùng đồi TTT. Tuy nhiên, lệ làng TTT quy định các thuyền đám tang chỉ được phép từ sông Lợi Nông, qua cống Bồ Đề, vào hói Hom Tranh, chỉ được đậu tại Bến Đá, lên đường Vọi, qua Eo gió để vào Cồn Mồ.
 
Đồng ruộng TTT phía ở trước đình làng, có hai cái cồn lớn : Cồn ông Nhàn nay là vùng Tẹt Lấp, cồn ông Vui có miếu ông Tường. Về phong thủy hai cái Cồn này phù hợp với với thế “ tả nghiên, hữu bút ”.
 
THỌ TỈ NAM SƠN – PHƯỚC NHƯ ĐÔNG HẢI
Trong thời gian khai phá lập làng, các vị khai canh làng TTT đã xây dựng hai ngôi chùa Nam Sơn và Đông Hải. Việc xây dựng hai ngôi chùa trên phù hợp với tín ngưỡng của dân làng, vừa có ý nghĩa là những cột mốc ranh giới của làng, vừa mang ước nguyện của các vị khai canh : mong sao cho làng “ Thọ tỉ Nam Sơn, Phước như Đông Hải ”
Chùa Nam Sơn
Chùa Nam Sơn được thành lập vào đời Cảnh Hưng năm thứ hai 1741, cùng một thời với sự khai lập làng TTT. Căn cứ vào gia phổ, bia ký và long vị hiện thờ tại chùa : “ Truyền Lâm Tế chánh tông, Đệ tam thập thất đại, Thượng Nhật Hạ Tân, húy Đại Chiếu, thụy Viên Minh lão Hòa thượng mạo tọa”. Như thế vị Tổ đầu tiên của chùa là Đại lão Hòa thượng Nhật Tân húy Đại Chiếu, hiệu Viên Minh đời thứ 37 thuộc truyền thừa của Lâm Tế chánh tông .
 
Hòa thượng xuất gia lúc mấy tuổi, quê quán ở đâu không rõ. Theo khẩu truyền, Ngài vốn là người giản dị, ưa nơi thanh vắng, chuyên tu pháp môn tham thiền nhập định. Ngài đã lập một thảo am để tu thiền trong một vùng đồi núi hoang vu ở phía nam hồ Thủy lợi Độn Sầm, cách chùa hiện nay khoảng 800 mét. Đây là nơi có nhiều thú dữ. Dân làng vào khai hoang, nhiều người bị hại. Từ khi ngài Nhật Tân lập cốc tu hành, thú dữ không còn, dân làng an tâm vào đốn củi, khai hoang , làm rẫy. Dân làng kính ngưỡng, mời Ngài ra làm trú trì để giảng đạo cho dân chúng, từ đó Hòa thượng Đại Chiếu –Viên Minh là vị Tổ đầu tiên của chùa Nam Sơn.
Chùa Nam Sơn được vua Minh Mạng sắc phong: “ Sắc tứ Nam Sơn tự”
Chùa Đông Hải
Chùa nằm cuối làng TTT, sát ranh giới làng Dạ Lê thượng . Đây là ngôi chùa làng được thành lập cùng thời với chùa Nam Sơn. Theo Đại Nam nhất thống chí, chùa Đông Hải là một trong 25 chùa cổ của phủ Thừa Thiên. Từ xưa đến nay, chùa Đông Hải do làng cử người đến làm thủ tự, có đất vườn chùa khá rộng đủ canh tác để lo việc hương đèn.
 
Như vậy, với mong ước làng ngày càng phát triển hưng thịnh lâu dài cho con cháu mai sau ( Thọ tỉ Nam Sơn, phúc như Đông Hải ), dựa vào địa lý tự nhiên, các vị Khai canh làng TTT đã tạo dựng địa cuộc làng với những đặc điểm như sau :
Thứ nhất là làng Thanh Thủy Thượng có địa thế “ trước bàu sau rẫy ”: Làng có ba khu vực rõ rệt. Khu dân cư nằm giữa có đình làng làm trung tâm, phía trước làng là đồng ruộng tươi tốt, phía sau làng là dãy Tam Sơn với các đồi rẫy. Đây là đặc điểm ít làng có được. Với địa thế này, làng đã tạo được một cơ cấu kinh tế bền vững. Hết làm ruộng thì vào làm rẫy, hết công việc của rẫy thì ra làm vườn.Với sự lao động cần cù một nắng hai sương, dân làng TTT không những tạo được sự bền vững trong kinh tế mà còn tạo được sự bền vững trong đạo đức: Không có thời gian nhàn rỗi để sa vào các thói hư tật xấu. Đặc điểm này là niềm tự hào của người dân TTT:
 
“Ai không lấy chồng Thanh Thủy là quê,
Lấy chồng Thanh Thủy nhiều bề làm ăn.”
 
Thứ hai là đặc điểm “ Thủy đáo đường”. Nước từ khe Chùa chảy ra cống họ Phùng không phải chảy thẳng ra sông Lợi Nông, mà chảy vào con hói đào chạy theo đường Bến, qua Bến Đình, vào Hội ấp 2, qua Bến Chợ, chảy vào hồ Vọng Nguyệt trước Đình làng , tiếp tục chảy ra hói Ngang qua Bến Quan, và Hội ấp 3, ra Bến Đá . Nước và phù sa chảy qua các đạt ruộng : Cửa Miệu, Đạt Hạ, Gia Hộ ,Cột Thát, Bàu Choàng, Nguyệt Trì..sau đó qua hói Hom Tranh, cống Bồ Đề, cống ông Vân chảy ra sông Lợi Nông. Hàng năm, lũ lụt mang phù sa về, do hệ thống thủy lợi được đào đắp theo hình chữ Chi ( Z ), vì thế phù sa tích tụ lại ở các thửa ruộng trước khi chảy vào sông Lợi Nông ra biển. Do vậy, vụ mùa ở Thanh Thủy Thượng không dùng phân bón mà lúa vẫn xanh tươi. Nhờ có môi trường bền vững mà thủy sản mặc sức sinh sôi nảy nở.Buổi sáng chỉ cần năm bảy cái rớ con , một ít cám rang cũng tranh thủ cất được chén tép tươi để buổi trưa nấu canh bột lộn. Đặc biệt nhờ môi trường này mà dân làng Thanh Thủy Thượng cũng trồng được gạo de An Cựu. De vàng là loại gạo thơm ngon, dẻo hạt, đặc biệt dùng để ‘tiến’ vua. Gạo de được trồng ở Bàu Choàng thơm ngon chẳng thua gạo de An Cựu. Chính vì vậy mà có câu “ Gạo de Thanh Thủy, cá rô Bàu Choàng ”.
 
Thứ ba, địa cuộc làng Thanh Thủy Thượng theo thuyết phong thủy là thế đất phát Văn : địa cuộc của làng phía trước có thủy tụ (đồng ruộng ), có hậu là dãy Tam Sơn và đồi núi nương rẫy làm chỗ dựa vững chắc .Có tả nghiên, hữu bút. Trong thực tế, làng TTT phát triển về Văn, nhiều người đỗ đạt, có năng khiếu về văn chương ( tiêu biểu như nhà thơ Phùng Quán ), đặc biệt là rất phát triển về nghề giáo. Người xưa rất tự hào về địa lý phong thủy của làng mình, về vị thế uy nghi của độn Sầm, về dòng nước trong xanh cuồn cuộn văn chương của khe Chùa, đã ghi lại câu đối ở đình làng:
 
“Sầm lĩnh nguy nguy sơn cẩm tú.
Thanh Tuyền cổn cổn thủy văn chương”.
 
Như vậy, ngay từ những ngày đầu mới lập làng, các vị Khai canh đã có tầm nhìn vừa rộng , vừa xa. Dựa vào địa lý tự nhiên sẵn có, các ngài đã đầu tư xây dựng làng tạo thế bền vững, ngày càng hưng thịnh cho con cháu muôn đời sau. Với công lao to lớn như vậy, sau khi xây dựng Đình làng kiên cố, con cháu đời sau đã có đôi câu đối ca ngợi công lao của các vị Khai canh đang còn lưu giữ ở đình làng :
 
“Hộ quốc tí dân, trạch đồng Hương Thủy nhuận,
Điều nguyên thế hóa, công đẳng Tượng Sơn cao .”
 
Dịch : Giúp nước phò dân, nằm giữa cánh đồng Hương Thủy giàu có,
Công lao khai hóa, cao lớn như núi Sầm Sơn.
 
Tóm lại, cách đây hơn hai trăm năm mươi năm, làng Thanh Thủy Thượng là điểm tụ cư của những người nghèo khổ nhất đã hai lần phải rời bỏ quê cha đất Tổ để đi tìm đất sống. Trên vùng đất núi rừng này họ đã lao động miệt mài, từng tháng ngày phải đối phó với thiên tai, địch họa. Cánh đồng ruộng, mãnh vườn nhỏ đã từng thấm đẩm biết bao mồ hôi và nước mắt của hơn hai mươi thế hệ. Ước mong của người xưa vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay là “ Phước như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn.” Mong sao cho làng được muôn đời bền vững sống mãi với thời gian, con cháu được nhiều phước đức, mạnh khỏe sống lâu.
 
Muốn mạnh khỏe sống lâu, điều kiện tiên quyết là phải được sống trong môi trường tự nhiên lành mạnh. Thực tế hiện nay do quá trình phát triển của công nghiệp, môi trường của làng ngày càng bị ô nhiểm, nào là nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, nào là nước sinh hoạt với các hóa chất tẩy rửa. Do vậy, nước trên cánh đồng Thanh Thủy Thượng ngày càng bị ô nhiểm. Mùa hè, những dòng nước đen kịt từ khe Chùa chảy ra hói ngang, vào khắp đồng ruộng. Ngày trước rau muống của làng được trồng dọc theo các ao biền, bãi dại, mập núc ních . Rau muống luộc, chấm nước ruốc đã nuôi sống biết bao thế hệ. Ngày nay người nông dân gánh rau muống đi bán không dám nói của quê mình.
 
Cánh đồng làng hàng năm đến mùa lụt, đất phù sa phủ đầy các thửa ruộng dày đến mắt cá chân , không cần bỏ phân mà lúa cũng ngời ngời xanh tốt. Chỉ có vụ trái, nông dân mới huy động nhiều ghe, thuyền chở phân chuồng ra thâm canh cho ruộng. Ngày nay, nông dân chỉ dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu với các hóa chất độc hại, đồng đất ngày càng bị ô nhiểm. Hạt gạo không còn thơm ngon như trước nữa.
 
Do vậy, để bảo vệ môi trường tự nhiên, mỗi người , mỗi tập thể, nhà máy phải tự giác có ý thức giữ gìn môi trường trong lành như chính bảo vệ sức khỏe của mình. Những vi phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Cần tuyên truyền phổ biến công nghệ sinh học cho nông dân trong việc bón phân và thuốc trừ sâu sinh học . Có như vậy dân làng mới được mạnh khỏe, an vui.
Dân làng Thanh Thủy thượng vốn có tinh thần hiếu học. Dù cuộc sống đang còn khó khăn nhưng bố mẹ vẫn tạo mọi điều kiện cho con em mình được đi học. Học sinh Thanh Thủy Thượng đi học trong điều kiện vật chất hết sức thiếu thốn .Ngày trước chỉ có học sinh tiểu học mới được học ở làng. Muốn học cao hơn thì phải lên trường An cựu hay trường Quốc Học. Đoạn đường xa như thế nhưng toàn đi bộ, đến thời Pháp thuộc thì nhà giàu mới có chiếc xe đạp. Những ngày mưa gió, với chiếc áo tơi bằng lá nón kết lại, bên hông mang chiếc túi sách vở và mo cơm nắm , từ 4 giờ sáng đã thức dậy, đi bộ đến trường. Trong gian khổ như vậy nhưng học sinh Thanh Thủy Thượng nổi tiếng siêng năng học giỏi. Nhiều người đỗ đạt thành tài làm vẽ vang cho bản thân , gia tộc.
 
Ngày nay, mức sống của các gia đình cao hơn, sự quan tâm của dòng Họ, làng nước nhiều hơn, các điều kiện đầy đủ hơn, thế nhưng có một bộ phận không nhỏ học sinh chưa quan tâm đến việc học, xem việc đi học như một nghĩa vụ đối với bố mẹ. Thiếu động cơ học tập thì không có hứng thú học tập, dẫn đến các hiện tượng tiêu cực dễ dàng xâm nhập. Nguyên nhân chính là các em chưa thấy được lợi ích thiết thực của việc học. Tư tưởng phổ biến hiện nay là các em đi học để có tấm bằng, có công việc nhẹ nhàng . Điều đó đúng nhưng chưa đủ . Khi cuộc sống còn khó khăn thì mong học hành thành công để đổi đời. Tuy nhiên hạnh phúc con người còn có nhiều yếu tố nữa ngoài vật chất, như sức khỏe, tinh thần, văn hóa…Chính việc học cung cấp cho chúng ta những tri thức để đáp ứng các yếu tố này. Khi học sinh tiếp thu được những quy luật tự nhiên và xã hội , áp dụng thành công vào cuộc sống thực tiễn của mình sẽ tạo được sự hứng thú. Chính nhờ điều này mà nhiều người đến tuổi già vẫn còn hứng thú học ở mọi nơi mọi lúc.
 
Vì thế vấn đề đặt ra là vai trò của bố mẹ trong việc định hướng nghề nghiệp của con rất quan trọng. Định hướng một nghề phù hợp với sở trường sở thích của con sẽ tạo cho các cháu có ước mơ , có quyết tâm đạt ước mơ và từ đó sẽ tạo cho các em hứng thú học tập. Làm thế nào để biến quá trình đào tạo thành quá trình học sinh tự đào tạo.Thực tiễn khoa học giáo dục đã khẳng định nếu gia đình và nhà trường hướng cho học sinh khả năng tự đào tạo thì sẽ đạt kết quả tốt nhất.
 
Là một làng nằm ở ngoại ô thành phố , việc đô thị hóa sẽ là điều tất yếu. Tổng thể cấu trúc Ruộng – Vườn – Rẫy sẽ bị phá vỡ trong tương lai. Thế thì cấu trúc mới của phường là gì? Quy hoạch tổng thể của phường như thế nào? . Những điều đó cần những kiến trúc sư có tầm nhìn chiến lược để có thể hoạch định việc xây dựng phát triển với tầm nhìn trên 50 năm hoặc nhiều hơn.
 
Tất cả những suy nghĩ trên cũng chỉ thể hiện ước muốn của Tổ tiên và cũng chính của mỗi người dân TTT : “ Phước như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn ”.

 

Nguyên Tri Ngô Văn Phố
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.171.521
Truy câp hiện tại 189