Vui chơi
… Chỉ có những cuộc chơi tuổi nhỏ là luôn hào hứng, mới mẻ. Theo mùa, chúng tôi đánh bi, đánh đáo, chơi căng hoặc bắt chim, tìm ong hái quả. Lớn thêm ít tuổi lại có các trò hấp dẫn hơn: bắt chước ông Lê Quý Đôn chúng tôi nặn đất sét thành con voi biết đi nhưng không bao giờ làm được. Chế cái vòi, con đỉa cứ lúc giựt lúc thụt không tài nào giữ nổi. Được mấy con đam làm chân, ghép chân này thì chân kia…chạy; voi chưa thành đã bể đầu sứt tai, đành bỏ.
Rẫy nhiều lồ ô, chúng tôi cắt từng ống ở phần ngọn làm ống bắn; một loạt súng nén hơi, bắn bằng đạn bời lời. Đầu hè, trái bời lời bắt đầu cứng hạt, to tày đầu đũa, có khắp nơi trong rẫy; hái làm đạn bắn nhau suốt ngày không biết mệt; áo quần bằng vải bột mì thâm đen hàng trăm vết đạn bời lời.
Chơi chán, chúng tôi bày trò đi lục sạo, tìm hái trái rừng. Hồi ấy, từ Bàn Đinh chạy qua hố Ông Lộc, vào tới tận Xuân Sơn; Phường Chánh đổ lên Thanh Dạ,…rú bạt ngàn nào móc, sim…Cuối hè, những trái sim chín mọng màu lông chuột ngọt ngào, thơm phúc. Đứa gùi, đứa cái bị… chúng tôi mải miết bươn vào rú, có khi lạc lối về, kêu réo ỏm tỏi.
Trâu nghé thì đã có đám con gái trông giúp; con gái thì suốt ngày túm tụm nhau bắt chí hoặc quanh quẩn đâu đó chơi trò đi chợ về chợ. Có đứa đi cùng chúng tôi vào các lùm rú cắt những rễ dứa dại về đập dập thành sợi, rồi đánh tết lại thành những sợi dây ràm, chạt mũi, chạt dắt…
Chúng tôi luôn mải chơi không thiết đến ăn uống. Lúc xót bụng thì ghé các rẫy xin vài củ sắn đem vào một ụ mối nào đó đang cháy âm ỷ, vùi một lát là chín, củ sắn nứt dọc dài, khói bốc nghi ngút, một mùi thơm hấp dẫn.
Thú đồng quê
Nhà nông vất vả nhưng cũng có lúc rảnh rỗi. Buổi nông nhàn, người ta biết kết hợp làm với chơi, sao cho cuộc sống vẫn đượm vẻ thú vị mà công việc đang làm vẫn đem lại chút ít cái lợi kinh tế. Ra đồng thăm lúa thì kiếm con tôm, con cá; vào rẫy un khoai lại được rổ nấm, con chim, có khi cũng săn bắt hái lượm như một kẻ chuyên nghề.
Ra đồng
Vào Hè là lúc cao điểm làm đất vụ mùa; trẻ mục đồng phải ở lại theo trâu cày tại những lán trại đóng tạm dọc Lợi Nông. Ở đó, chúng tôi tất bật với công việc chăm sóc trâu nghé, có lúc nào rảnh lại tát đìa, xăm hôn, săn chuột.
Thịt chuột là một nguồn đạm phong phú mà hấp dẫn, lại dễ kiếm, ngon không kém thịt một loài động vật nào! Sau khi lột da rửa sạch, chúng tôi xâu thành chùm treo vào sừng trâu, đến trưa về, thịt ráo nước, săn chắc, đem rô-ti – là một món mồi nhậu đồng quê hết… biết! Mỗi ngày, kiếm một xâu chuột bán được vài mươi đồng cũng bằng giá chục lon gạo; đuôi chuột lại gom bán cho làng để lấy thành tích thi đua bảo vệ mùa màng…
*
Chuột đồng “ tổ chức” nơi cư ngụ-hang ổ- rất “khoa học”. Mỗi hang có nhiều lỗ nghẽ (ngách) là lối thoát khẩn cấp được che kín bởi một lùm cỏ, một gốc rạ hay góc bờ ruộng ở xa cửa hang, nghẽ không bao giờ bỏ lại dấu đất mới lúc chuột đào!
Từ cửa hang, vào một đoạn ngắn là nơi nghỉ của chú chuột canh hang- chúng tôi đoán thế – từ đây, hang mới trổ đi nhiều ngóc ngách, nhiều nhánh. Một ổ, ngoài đôi vợ chồng chuột bố mẹ, có ít nhất 2 lứa chuột con, như vậy một gia đình nhà chuột, “nhân số” trên cả tá.
Chuột có biệt tài ếm quân. Bị đánh động, chúng nín kỹ trong hang, phải đào bới, hun khói, đổ nước… chúng chịu hết nổi mới chui ra các nghẽ.
Mùa lụt, nước ngập trắng đồng, chuột di tản lên hai bờ Lợi Nông hoặc lên làm ổ trên các ngọn tre, chúng bơi lội rất giỏi, xuống nước, chúng tôi đành thua lũ chuột.
*
Tháng năm, những đợt gió Lào tràn xuống mang theo cái nóng ghê người; nước sông hói cạn dần. Giữa trưa, nước sông hâm hấp là lúc các chú hôn (ba ba) đi tránh nóng. Cách mớn nước chừng vài gang tay, chúng vùi mình trong bùn, đầu giướng vào phía bờ, dưới bóng râm của những lùm cỏ lùng bò lan ra che kín mặt nước. Dùng một cái chĩa hai vừa lội vừa xăm vào phần-bùn-nghi-có hôn- nằm đấy, ta dễ dàng thọc trúng lưng của nó, lúc ấy ấn mạnh xăm, hôn sẽ thụt đầu vào mai, nhè nhẹ cúi xuống thò tay từ ngoài lòng hói mò vào phía bờ, tới xăm là phần phía đuôi hôn, không sợ bị nó đớp.
Chịu khó lội hói khoảng vài giờ ban trưa cũng kiếm cả chục con. Ở làng, vùng hói đạt Bát, vùng quanh Thượng Bạc.. có nhiều hôn.
Hôn thuộc họ rùa, có “ chân vịt, thịt gà, da trâu, đầu rắn” như tuổi nhỏ thường mô tả ngây ngô. Thịt hôn xào măng, xào bánh tráng, bún tàu…hay xé phay bóp rau răm…, nghe kể bộ đồ lòng rất độc, không ai dám ăn cả!
Dạo tháng Năm, tháng Tư, hôn lên bờ đẻ trứng, một ổ chừng chục cái to chừng hòn bi trẻ con thường chơi, được vùi sâu dưới cát, hôn mẹ ngày ngày lên che nắng để điều hoà nhiệt cho ổ trứng. Trứng hôn màu trắng, nửa trong nửa ngà, tròn chứ không dài như trứng rắn. Trứng ăn rất ngon, toàn tròng đỏ.
*
Ếch được mệnh danh là gà đồng, có khắp nơi. Đồng Thanh Thuỷ cũng khá nhiều ếch. Hè, ếch tránh nắng trong các bụi bờ gần nước; bắt bằng cách câu rê-là nghề chuyên môn của một số dân quê. Cột chừng một mét chỉ gai thật chắc vào đầu cần câu, đầu kia buộc một cục giẻ đen, kéo rê cục giẻ dọc theo bờ nước; ở trong lùm, ếch trông thấy mồi phóng ra chụp ngay. Thật nhẹ nhàng, khéo léo nhấc cần câu lên, bị hỏng giò sợ rớt, ếch ta bám chắc vào cục giẻ, ta cứ việc tóm bỏ giỏ. Nhớ đứng chỗ khuất, tránh cho ếch khỏi trông thấy bóng người, nó sợ !
Cuối Hè, sau những đợt sấm hầm hè râm ran kéo dài nhiều ngày liền, trời nóng đến cực điểm. Rồi một đêm nào đó đầu tháng bảy, trận mưa đầu mùa cũng trút xuống hối hả, mãnh liệt. Đã quen, trong những ngày trông chờ cơn mưa ấy, nhà nông đã cụ bị sẵn các vật dụng cần thiết như đèn bão, oi vịt, tơi nón…từ cả tuần lễ trước, để đi bắt ếch.
Ánh chớp chốc chốc loé lên sáng rực, trong tiếng sét xé trời, mưa như ném cơn giận của trời đất xuống cánh đồng khô cháy nứt nẻ. Thấy được qua thứ ánh sáng chói chang ấy những màn nước đan chéo nhau hất tung bọt trắng xoá không gian. Ngoài đồng, tiếng ếch nhái ồn ào râm ran như réo gọi, thúc giục chúng tôi ra… đồng; nhưng chưa gì mà vội; hãy để yên tất cả, làm một giấc cho no mắt đã, đợi đến khuya, khi những tiếng kêu hấp dẫn ấy đã gần như chìm hẳn vào cơn mưa, ta hãy mang tơi vào trận !
Lúc này, mưa đã nhẹ hột, những đám ruộng xăm xắp nước, từng cặp ếch ôm chặt nhau, con cái cõng con đực, làm cái việc duy trì nòi giống nhà ếch. Trông thấy đèn, chúng nhắm mắt cúi đầu, quên mất cú nhảy xa truyền thống của chủng loại và chúng đã bị tóm.
Cũng vào đêm ấy, khi trời đã quang tạnh, oi của bạn đã không còn chỗ chứa thêm, thì trên đường về, bạn gặp ở chân ruộng cao, cá rô ở dưới các ao hồ, sông hói theo đường nước róc rách chảy từ các chỗ nứt trên cao xuống, chúng trườn lên, những chú rô mề phơi trần chiếc lưng đen bóng mập ú- chúng đang vượt vũ môn đấy!- Để khỏi tốn công đi soi, chỉ cần chọn một vị trí thích hợp có độ chênh vừa phải giữa hai đám ruộng tạo một lỗ chảy từ cao xuống sao cho luôn luôn có tiếng nước róc rách. Giữa khoảng dốc chênh ấy, đào một hố thật sâu, miệng thoa bùn trơn láng như mỡ, cá trườn lên đó vì trơn tuột xuống hố. Tiếng nước róc rách ấy hấp dẫn cá rô tới để tìm đường trườn lên ngược nguồn đến chỗ nước mát. Bắt được khá nhiều cá trong một hố như thế.
Ở những nơi nước xối mạnh, các hố được đào sâu và lớn hơn; cá tràu nghe tiếng nước réo, tìm tới nhưng không có đường bơi lên, chúng phóng mình vượt qua xối nước và dễ dàng lọt vào hố.
*
Sau những trận mưa kéo dài, cánh đồng ngập lênh láng. Đêm, đứng đường bến ngó ra đồng, có vô số ánh đèn cần mẫn chấp choá lia ngang quét dọc như những vì sao xẹt: người ta đi soi. Cá tràu thường có thói quen đi ăn đêm vào lúc mát nước, nhất là về khuya. Thấy ánh đèn, cá loá mắt đứng ngay đơ, rất dễ chơm bắt. Chơm là nghề vất vả, nhất là chơm đêm, nhưng thu nhập khá hơn các nghề khác.
Về chơm phải nghĩ trước đến chơm mò. Ở ấp 3, một dạo có một đội quân chơm mò gồm các bà. Những con cá trắng, đặc biệt là họ nhà gáy (chép) như diếc, chẻn, trôi, dầy…thường rúc vào dấu chân người, trâu vừa lội qua trong bùn còn đục nước để kiếm ăn; lợi dụng điểm này, dân chơm mò giăng hàng ngang, lội sau đàn trâu để chơm; các loại cá khác vì bị khuấy động, bơi lội lung tung cũng dễ bị chơm trúng. Với động tác nhanh, chắc vừa phóng chơm xuống nước, một tay hờ đầu chơm, tay kia thò vào trong khuấy một vòng, có cá lọt chơm là họ bắt gọn rất tài tình. Cá được bỏ vào cái oi thả nổi lưng chừng nhờ hai ống tre làm phao, cột nối với sợi dây ở bụng.
Đầu thu, vào giữa chiều, trời trở nồm se se lạnh, là lúc buông câu thích hợp. Chúng tôi tay cần câu, tay oi đi dọc các bờ đìa giật lia lịa những chú cá rô, cá lát háu ăn. Mồi câu là thứ nhộng ong hay nhộng kiến nướng vàng thơm lựng; mua của các em chăn trâu; hoặc chỉ cần một buổi lên độn Sầm sục sạo là có ngay.
Có khi ra vũng xoáy, thả phao sâu vài mét, giật được không ít cá ngạnh vàng hươm, lên khỏi mặt nước chúng kêu éc éc vui tai.
Vào cùng lúc ấy, ở hồ làng, những tay câu phong lưu ngồi hóng mát dưới bóng dừa, thả vài cần câu xuống hồ Đình Làng, chốc chốc lại giật được những chú phác lát to tướng. Có người mang theo cái trang, thọc xuống hồ quậy bùn lên làm đục một vùng rộng chừng vài mét vuông để câu cá trê. Cá trê ở hồ khá to, có con 5-7 lạng. Mồi là những chú trùn nước có nhiều ở các chân ruộng dọc bến. Câu cá trê thường phá hoại sen làng nên bị cấm. Đây đó vài kẻ câu quăng, hoạt động luôn tay với cái suốt chỉ cước, cả ngày chỉ bắt được vài con cá tràu, không bỏ công lặn lội từ xa đến.
Câu cá tràu ở các ổ lòng tong là việc nhà nghề, thường gọi là câu vịt. Ven bờ, chỉ cần nhìn dấu vết của đọt cỏ ở mớn nước là tay có nghề biết nơi cá đánh ổ đẻ; thả một con vịt nhỏ cột chân với một đoạn dây nối đầu con sào cho lội vào ổ cá, đồng thời với một lưỡi câu móc sẵn chú nhái bén còn sống hay một miếng thịt ốc; bị phá; cá lóc mẹ giận dữ đớp loạn xạ và dễ dàng mắc câu. Không lâu sau, cá bố cũng mắc câu rốt.
Nước triều cường, vào khoảng cuối chiều, lúc ấy các tay chuyên nghề lội dọc hói đi cắm câu, khoảng mươi bước lại cắm một cần. Qua đêm, vừa tờ mờ sáng là anh ta ra dỡ câu; với chừng trăm cần câu cặm như thế, cũng giúp tăng thu nhập khá cho gia đình.
Dọc các con hói, những em bé lên bảy, lên mười đặt những cái rớ bằng vải mùng vuông vức khoảng 5 tấc, thả một ít cám rang vào, chốc lát giở lên cũng được dăm chú cá cấn, cá mại, tôm tép. Luân phiên với chục cái rớ, các cháu cũng kiếm được rồi cá kho khô nhỏ cho bữa cơm chiều.
Vào đầu các trận lụt tháng năm, tháng mười, khi con nước bạc đang đổ ầm ào, gào réo dữ dội, ở các ngã ba, ngã tư sông hói, người ta cay giàn rớ chài- có người vội vã đem cái rớ chao – năm ba phút giở một mẻ, thỉnh thoảng bắt được cá gáy to, thiên hạ đứng coi, bu quanh la hò cổ vũ hào hứng.
Nước lụt hằng năm tràn lên đường bến, các nơi ở ấp 3, ấp 4, ấp 1 quanh cống cao…đất thấp, rước vào tới trên 100m vài ba hôm mới rút. Lúc đó, cá lúi theo nứơc lụt tràn vào tìm nơi đẻ trứng, bơi từng đàn men theo các đường ao bị người ta đặt chẹp bắt hết.
Giàn rớ chài là đồ nghề bắt cá của nhiều tay chuyên nghiệp trong làng; quanh năm họ đóng rớ tại một địa điểm nhất định ngày làm ruộng, đêm lại ra kéo rớ. Các tay đi rớ chao dùng giàn rớ của mình chôm xuống hói rồi đi mò, các thứ cá bị đè dưới lưới không thoát ra được, nằm chờ bị bắt.
Dọc sông Lợi Nông, các gia đình có người chuyên đi mò ốc bắt hến, hoặc đi nhũi- đánh dậm- trừ những lúc cao điểm các vụ cấy gặt, hầu như ngày nào họ cũng dầm mình dưới nước.
Ở các ngã ba, ngã tư hói mở rộng, theo thế nước, người ta dăng những trộ nò- đóng đáy- bắt đủ loại tôm cá, dạng này thường được làng cho phép, mỗi năm đóng thuế cho làng. Trong các tẹt, người ta chiếm những khoảng rộng để đặt trộ chuôm cho cá ở, một năm vài ba bận hợp đồng với dân chài đi dỡ chuôm, ăn chia với họ các thứ cá bắt được.
Quanh năm, đồng của làng luôn vang tiếng lanh canh của các tay bủa lưới gõ vào một cái đòn sanh trên ghe, tròng, đánh động khiến cá tôm hoảng sợ, phóng lung tung và bị mắc lưới.
Sau trận lụt tháng mười, cánh đồng chìm sâu dưới làn nước mênh mông, trong vắt, thấy tận đáy; đây đó chỉ thấy vài mảng xanh lơ thơ những đám lúa chét cố vươn lên giành sự sống. Trâu nghé trong làng được lùa thả tự do ra đồng, chẳng có ai trông coi; đến chiều, chúng tự tìm về, không khi nào đi lạc; ấy là lúc lũ chăn trâu chúng tôi tìm đến các cửa đìa cửa ruộng đặt lừ, đặt chẹp, ngày dỡ 2 cử sáng chiều, bắt đủ thứ cá trắng.
Tuy gọi là cái thú đồng quê, nhưng để kiếm được cái ăn cũng lắm vất vả. Tát đìa là một ví dụ. Ngày trước, khi chưa có máy móc, phải tát bằng xe đạp nước, một cái đìa chừng 30 m2 bề mặt; phải đạp luôn chân một buổi, có khi đến giữa chiều mới cạn; lúc tát phải be bờ, chống cửa đìa thật kỹ mới mong ăn được.
Lâu lâu, vài ba năm, làng lại cho tát hồ; hay các xóm rủ nhau tát hói để vét, là những lúc trẻ chúng tôi có cơ hội trổ tài bắt …hôi; cũng không có là bao nhưng đây là những kỷ niệm tuổi nhỏ không mấy ai đã từng bị gai sen hồ làng cứa vào vai ứa máu mà lại không một lần nhắc nhớ, không mấy ai đã dám quên một cú nẻ nhức nhối đến mấy đêm mất ngủ khi bị một chú cá trê ở bến quan chích vào tay mà không khắc sâu hình ảnh ấy vào tâm khảm để những lúc xa quê bồi hồi nhớ lại, da diết nhớ thương…