Tìm kiếm tin tức
LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ PHƯỜNG - Chương II
Ngày cập nhật 10/01/2014

Phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân Thủy Dương từ năm 1925 đến cách mạng Tháng tám 1945

I/ Sơ lược về phong trào yêu nước trước 1925 :

Trước năm 1925, phong trào yêu nước của nhân dân đã thể hiện rõ nét qua một số cuộc đấu tranh tự phát của quần chúng.
Trước hết, đó là hình thức kêu kiện lên quan trên. Tức là ở trong xã, mỗi khi bọn hào lý cưỡng bức, hà lạm quá mức, các vị trưởng họ tập hợp nhau lại kiện bọn hào lý lên bọn quan trên. Nhưng phần lớn những vụ kiện này đều thất bại.
Có những vụ nhân dân xã vạch tội lý trưởng phù thu lạm bô ngay trong xã và có những vụ đấu tranh chống lấn chiếm, chống cưởng đoạt ruộng đất. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân thời Vua Tự Đức, khi ông vua này định đuổi dân đi để chiếm khu vực Động Sầm, Động Giữa, Động Chùa để xây lăng tẩm. Nhân dân đã khôn khéo lôi kéo được ông thầy địa lý và bày mưu cho ông lên tâu Vua rằng : Đất ấy đẹp nhưng không có hậu. Ở đất ấy không có người thừa tự. Thế là Tự Đức sợ mà bỏ ý định đuổi dân chiếm đất xây lăng. Nhờ thế, dân yên ổn làm ăn.
Có  những lần ngay giữa đình làng, nhân dân dũng cảm vạch tội bọn lý hương chiếm đoạt ruộng đất công làm của riêng.
Nhiều người trốn phu phen tạp dịch cho bọn phong kiến, đế quốc ở làng, đã bỏ trốn đi vào đồn điền ở Nam Bộ như tốp thanh niên đã đi với anh con trai họ Phùng đã nói trên.
Các cuộc đấu tranh trên đây đã thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Thủy Dương.
Tháng 7 năm 1885, cuộc phản công ở Kinh thành Huế của phe chủ chiến và yêu nước trong triều đình Huế do Tôn Thất Thuyết đương đầu thất bại, giặc Pháp kèm vào thảm sát nhân dân và tàn phá kinh thành. Ở Thủy Dương nhiều người khóc thương vận nước nguy nan, khóc thương dân bị nạn, cả làng đã làm lễ cúng những người chết trận và bị thảm sát. Từ đấy, hàng năm vào ngày 23 tháng 5 Âm lịch, cùng với nhân dân Huế, nhân dân Thủy Dương làm giỗ gọi là “Tế nghĩa sĩ trận vong”, để tưởng nhớ những người đã bỏ mình vì nước và bị thảm sát. Nhiều người đọc thuộc lòng bài “Vè thất thủ kinh đô” và ca cho nhau nghe, như muốn gởi gắm tâm sự của mình, khích lệ lòng yêu nước, chí căm thù giặc trong nhân dân.
Vào đầu Thế kỷ XX, năm 1908, khi tin tức về cuộc kháng chiến ở Huế đưa về Thủy Dương, nhân dân rất phấn khởi, bí mật truyền tin cho nhau. Sau đó vào năm 1916, một số người bí mật ủng hộ  cuộc khởi nghĩa của Trần Cao Vân, Thái Phiên.
Trước mắt nhân dân Thủy Dương, bọn đế quốc và phong kiến, tay sai của chúng là một lũ ăn cướp, mà mọi người phải có thái độ khinh ghét. Bọn quan chức từ Khâm sứ Trung kỳ, Công sứ Thừa Thiên cho chí quan ba, quan hai đều được gọi là “thằng” tuốt. Bọn cảnh sát được gọi là  “thằng Cò tây”, còn bọn quan lại Nam triều làm tay sai cho Pháp, nhân dân gọi là “bọn nịnh tây” bọn “bợ đít tây”.
Còn đối với những người có công với nước hay hy sinh vì nước, nhân dân hết lời ca ngợi. Dân Thủy Dương thường kể cho nhau nghe chuyện các lãnh tụ Cần Vương như cụ Phan Đình Phùng, cụ Tôn Thất Thuyết. Những người chống Triều đình như Đoàn Trưng, Đoàn Trực cũng được dân yêu mến. Đặc biệt, đối với Nguyễn Ái Quốc, nhiều người chưa biết thật rõ, nhưng đã rỉ tai nhau, đó là “Ông Thánh”, rằng Nam Đàn sinh Thánh thần. Một số thanh niên có học ở Thủy Dương đã tìm đọc tài liệu của Nguyễn Aïi Quốc.
Nhìn chung, trước năm 1925, phong trào yêu nước của nhân dân Thủy Dương chưa phát triển mạnh mẽ mà chỉ mới biểu hiện dưới các hình thức phản kháng chế độ của bọn phong kiến đế quốc. Nguyên nhân chủ yếu của điều đó là do tình trạng nhân dân thiếu người lãnh đạo, phát động và tổ chức.
II/ Phong trào yêu nước và Cách mạng từ năm 1926 đến tháng 3 năm 1945 :
Năm 1925, trong cả nước, Cách mạng Việt Nam đi dần vào có tổ chức, có lãnh đạo và theo một phương hướng mới với sự ra đời của Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội do lãnh tụ Nguyễn  Ái Quốc sáng lập.
Phong trào yêu nước và Cách mạng của nhân dân Thủy Dương cũng theo đó mà phát triển. Trước hết là một số thanh niên con em của Thủy Dương đang học tại các trường ở Huế, đã sớm tiếp thu được tư tưởng dân chủ, tích cực tham gia các phong trào truy điệu Cụ Phan Châu Trinh, đòi ân xá Cụ Phan Bội Châu và phong trào bãi khóa của học sinh các trường Quốc học, An Cựu, Sê Nhô trong 2 năm 1926 - 1927. Khi tiến hành đàn áp phong trào này của học sinh, thực dân Pháp cũng khủng bố phụ huynh của họ, do đó những người yêu nước Thủy Dương cũng bị liên lụy. Ví dụ, anh Phùng Văn Nguyện, tức Phùng Hàm, học sinh Quốc học tham gia phong trào trên đã bị đuổi học và bị kết án 2 năm tù treo, buộc nộp 360 đồng tiền bồi thường học phí. (Giá thóc lúc đó trên dưới 25 đồng một tấn) Gia đình anh Nguyện đã phải bán hết tài sản để nộp  tiền phạt. (Anh Nguyện là cha đẻ nhà thơ Phùng Quán).
Năm 1926, ánh sáng của đường lối cứu nước mới đã soi rọi tới mảnh đất Thủy Dương. Một số thanh niên Thủy Dương đã gặp được tổ chức Cách mạng tiêu biểu là anh Lê Trọng  Bật, đã gia nhập Tân Việt Cách mạng đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản. Nhờ thế, anh Bật đã tiếp thu được Chủ nghĩa Mác-Lênin và đem tư tưởng Cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin  tuyên truyền cho một số thanh niên khác trong xóm. Từ đó, ánh sáng Cách mạng đã bén rể ở Thủy Dương. Một lớp thanh niên Thủy Dương đã  tiếp thu tư tưởng Cộng sản và sau đó trở thành người Cộng sản, trong đó có đồng chí Ngô  Hữu Yên, đồng chí Ngô Hữu Yên năm 1930, 1931 đã tham gia đấu tranh trong cao trào Xô - Viết Nghệ - Tĩnh. Đế quốc Pháp đàn áp phong trào cách mạng 1930 - 1931 các đồng chí Lê Trọng Bật và Ngô Hữu Yên  bị chúng bắt và  kết án tù nhiều năm. Chế độ lao tù hà khắc cũng như mọi thủ đoạn mua chuộc dụ dỗ của đế quốc Pháp đều không làm sờn lòng các đồng chí, ngược lại, ở trong tù, được quen biết nhiều người Cộng sản kiên cường khác, các đồng chí càng vững vàng hơn... Năm 1935, 1936, nhờ chủ trương ân xá chính trị phạm tại các thuộc địa của Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp, các đồng chí thoát khỏi nhà tù, trở về tiếp tục hoạt động Cách mạng. Cả đồng chí Bật, đồng chí Yên đều vừa hoạt động Cách mạng, vừa dạy học ở một trường tư do một số chiến sĩ cách mạng ở Huế mở lúc đó, là trường Thuận Hóa.
Do hoạt động tích cực của các đồng chí ở Thủy Dương đã hình thành một nhóm thanh niên tiến bộ tích cực vận động nhân dân tham  gia các phong trào ủng hộ các dân biểu tiến bộ ở Viện Dân biểu Trung kỳ, phong trào đón tiếp phái viên Gô-Đa từ ngày 24 đến 26 - 01- 1937 ở Huế. Đặc biệt phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ đã trở thành một phong trào có tính chất quần chúng.
Ngày 29/7/1938, Đảng vận động một số trí thức tiến bộ đề xướng việc chống nạn thất học, đã thúc đẩy phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ trong cả nước, riêng ở Thủy Dương, các đồng chí Lê Trọng Bật, Ngô Hữu Yên làm nòng cốt, đã tập hợp xung quanh mình nhiều thanh niên tiến bộ, hăng hái hoạt động để vận động thành lập Hội truyền bá chữ Quốc ngữ ở Thủy Dương vào cuối năm 1938 do ông quyền Vinh làm hội trưởng, còn hội viên tích cực gồm có Nguyễn  Hữu Lễ,  Phạm Song, Lê  Trọng Từ, Ngô  Hữu Oanh, Phùng Lưu, Phùng Thị....
Hội đã vận động cả người lớn lẫn trẻ em đi học, vận động nhân dân đóng góp tiền của để dựng trường, mua sắm giấy bút.v.v... kết quả, cả xã mở được 11 lớp, mỗi lớp có từ 30 đến 40 học viên, có lớp học vào ban ngày, có lớp học vào ban đêm. Sau 3 tháng học thì tổ chức thi thoát nạn mù chữ cho học viên. Những người “tốt nghiệp” thì được phát một giấy chứng nhận và được thưởng. Phong trào phát triển mạnh đã làm cho Tỉnh hội truyền bá chữ Quốc ngữ Thừa Thiên Huế chú ý, nên các ông ở Tỉnh hội như Đào Duy Anh, Nguyễn Lân, Đoàn Nồng về thăm, động viên phong trào, dự lễ  “Tốt nghiệp” và phát thưởng cho học viên.
Nhờ phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, hàng trăm nông dân Thủy Dương biết chữ, tầm mắt được mở rộng, hiểu biết Cách mạng nhiều hơn, nên họ càng hăng hái đi học, càng hăng hái tham gia Cách mạng.
Cũng do phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ, một trường Tiểu học tư thục cho con em nhân dân lao động Thủy Dương đã ra đời ở Văn Thánh, gồm có 3 phòng học, học chương trình lớp ba, lớp tư và lớp năm, do Thầy Phùng Lưu làm Hiệu trưởng, Thầy Phạm Song làm giáo viên, ban ngày là lớp học của trẻ em, ban đêm làm lớp học cho người lớn, nên ở Văn Thánh suốt ngày đêm vang lên tiếng tập đọc, tiếng hát cười của trẻ nhỏ và tiếng đánh vần của người lớn.
Các lớp học chữ Quốc ngữ đồng thời cũng là lớp học chính trị của nhân dân, học viên được vận động việc chống bọn lý hương phụ thu lạm bô, đòi cải cách hương thôn, đòi mở thêm trường học đồng thời vận động xóa bỏ mê tín dị đoan, xóa bỏ đồi phong bại tục, xóa bỏ rượu chè, cờ bạc, cô đầu... trong hoạt động này có vai trò tích cực của Hội Ái hữu của một số thanh niên tiến bộ tiếp thu chủ trương của Đảng do đồng chí Ba Lễ đứng đầu.
Ở lớp học này, một số tác phẩm lý luận như quyển “Vấn đề dân cày” của Đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp được đem ra đọc giảng cho học viên nghe. Nghe rồi, suy nghĩ liên hệ thực tế, họ thấy hiểu, thấy đúng, họ lại càng thích nghe, thích tìm tòi.
Ngoài ra, một số thanh niên yêu nước Thủy Dương cũng tìm đọc những sách báo nói về Chủ nghĩa Cộng sản, về Liên Xô, đọc rồi họ lại truyền đạt cho những người thân thuộc.
Phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ ở Thủy Dương được duy trì mãi đến Cách mạng Tháng Tám, đã thu được những kết quả tốt đẹp.
Một là hàng trăm trẻ em con em của nông dân nghèo được học văn hóa, trong đó có nhiều người thi đổ Sơ học yếu lược. Lại có hàng trăm nông dân nghèo biết đọc, biết viết. Như vậy là họ được trang bị một công cụ để dễ dàng tiếp thu tư tưởng và lý luận cách mạng. Đó là điều mà người dân nghèo Thủy Dương trước kia chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Hai là từ phong trào, đã thành lập một trường tư thục, sau đó đã chuyển thành hương trường, tức là trường học của xã.
Ba là trình độ giác ngộ cách mạng, giác ngộ chính trị của nhân dân trong xã được nâng lên. Nhiều người đã hiểu về Đảng Cộng sản, về cách mạng và hăng hái tham gia cách mạng. Do đó mà lực lượng chính trị của cách mạng ở xã được xây dựng, đồng thời cũng đã bồi dưỡng được một số cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng của xã trong giai đoạn cách mạng về sau.

  Tháng 9 năm 1939, chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Thủy Dương, đồng chí Ba Lễ đã tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh đế quốc do Đảng lãnh đạo. Nhiều truyền đơn kêu gọi chống chiến tranh xuất hiện ở xã, được nhân dân đọc và kể lại cho nhau nghe, xem. Có lần, một biểu ngữ to với khẩu hiệu chống chiến tranh, đá đảo chiến tranh đế quốc đã được treo lên ở cổng nhà Họ Lê Bá.
Nhóm Thanh niên ái hữu của Thủy dương hoạt động rất tích cực trong phong trào ấy.
Bọn thực dân Pháp đã đàn áp gắt gao phong trào nói trên. Đồng chí Lê Trọng Bật bị bắt năm 1940 và bị đưa đi an trí ở trại Ưu Điềm. Đồng chí Ngô Hữu Yên lâm bệnh nặng qua đời. Đồng chí Ba Lễ phải tạm đổi vùng, vào hoạt động ở Miền Nam. Do đó, phong trào cách mạng Thủy Dương gặp khó khăn, có chiều sút xuống. Tuy nhiên các đồng chí chưa bị thực dân Pháp bắt giam vì chưa lộ, đã kiên trì tìm mọi cách để hoạt động. Các đồng chí Phùng Lưu, Phạm Song vẫn duy trì lớp dạy chữ Quốc ngữ ban đêm cho bà con trong xã. Những người có tâm huyết ở Thủy Dương vẫn đến trường Văn Thánh để theo dõi thời cuộc và vì thế phong trào Thủy Dương vẫn được nuôi dưỡng.
Ngày 13/01/1931, ở Nghệ An đã bùng nổ cuộc khởi nghĩa Đô Lương, trong đó Thủy Dương có góp một phần máu thịt của mình. Đó là anh Nguyễn Diên Xang, người Thủy Dương đã tham gia nghĩa quân và khi nghĩa quân thất bại, anh bị đế quốc Pháp bắt, kết án tử hình. Sự kiện nay càng nung nấu ý chí đấu tranh của bà con anh ở Thủy Dương.
Như vậy, dù bị đế quốc Pháp khủng bố tàn bạo, cán bộ, Đảng viên hầu hết bị bắt bớ, tù đày, nhưng phong trào cách mạng Thủy Dương vẫn không bị dập tắt, vẫn được nuôi dưỡng một cách âm ỉ, để khi có thời cơ, lại bùng lên mạnh mẽ.
III/  Phong trào đấu tranh chống Phát xít Nhật và chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám ở Thủy Dương : (Tháng 3/1945 đến đầu tháng 8/1945)
Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương từ tháng 9-1940. Thực dân Pháp đã nhân nhượng, rồi sau đó dâng Đông Dương cho Nhật. Đảng ta  đã nhận định rằng đế quốc Pháp và phát  xít Nhật là 2 con chó đói không thể cùng ăn chung một miếng mồi, chúng sẽ rình cơ hội để tiêu diệt nhau.
Quả vậy, ngày 9-3-1945, Nhật đã tiến hành đảo chính lật Pháp. Quân Pháp thất bại rất nhanh chóng. Để lừa bịp nhân dân ta, phát xít Nhật đã cho thành lập một chính phủ thân Nhật là chính phủ Trần Trọng Kim và rêu rao là sẽ trao trả độc lập cho Việt Nam. Trong tình hình ấy, Đảng đã ra Chỉ thị : “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3-1945. Trong chỉ thị ấy Đảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước và chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Tháng 5-1945, Tỉnh Ủy Thừa Thiên Huế đã họp Hội nghị trên Đầm Cầu Hai để bàn các chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa trong tỉnh. Hội nghị này đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh của tỉnh lấy tên là Việt Minh Nguyễn Tri Phương.
Sau hội  nghị Cầu Hai, cán bộ Đảng viên toàn tỉnh khẩn trương đi sâu, đi sát các địa phương để đẩy mạnh việc xây dựng Việt Minh, xây dựng lực lượng võ trang tự vệ... Nhờ thế, phong trào cách mạng xã Thủy Dương cũng được đẩy mạnh lên. Mở đầu là việc đồng chí Nguyễn Hữu Lễ (lúc này đang làm ở Nhà in Đắc Lập) liên lạc được với Việt Minh của tỉnh, nhận được chương trình - Điều lệ Việt Minh, báo “Cờ Giải phóng” và thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa về xã tuyên truyền trong nhân dân. Nhân dân rất say sưa phấn chấn khi biết chương trình Việt Minh nhằm trước hết tranh lấy độc lập cho Việt Nam, đánh đuổi triệt để bọn đế quốc ra khỏi nước ta. Vì thế, người Thủy Dương hăng hái tham gia Việt Minh của xã đã được thành lập do đồng chí Lễ đứng đầu. Trong khi đó, tin tức về sự phát triển của cách mạng ở các nơi khác bay đến, càng làm cho ai nấy cũng phấn khởi, tin tưởng và muốn hành động ngay.
Bọn tay sai của bọn đế quốc phân hóa rõ, có những tên hoang mang cao độ vì Pháp đã mất hết quyền hành, mà Nhật thì không biết có dùng chúng không? Có tên tấp tênh ra làm tay sai cho Nhật và có những tên nghe ngóng chờ thời. Còn bọn thân Nhật thì khỏi phải nói, chúng đắc chí ra mặt. Chúng đã dẫn mật thám Nhật về xã để truy tìm Việt Minh.
Trong tình hình ấy, đồng chí Lê Trọng Bật lại về xã hoạt động, sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở xã được tăng cường rõ rệt. Những người nòng cốt trong phong trào dân chủ trước đây lại hăng hái hoạt động. Lợi dụng lúc này bọn Nhật đang mỵ dân nên ta đưa lại yêu sách đòi “Cải cách hương thôn” của thời kỳ trước để đấu tranh, với những nội dung như : bài trừ hủ tục, chống bọn lý hương, phụ thu - lạm bô - ức hiếp dân cày, đòi công khai việc thu chi, đòi cứu tế dân đói.v.v...
Chỉ trong vòng hơn một tháng, phong trào phát triển ra cả 3 làng, 2 ấp của xã, bà con nông dân rất phấn khởi, còn bọn lý hương tay sai của giặc Nhật thì hoảng sợ. Lý trưởng Lê Viết Châu đã phải họp dân làng để thông báo tài chính công khai. Trong buổi đó, anh em thanh niên của xã  được đông đảo nhân dân ủng hộ, đã thẳng tay vạch trần sự hà lạm của bọn chúng. Trước những bằng chứng rõ ràng, lý Châu, Khán thủ Phùng Hòe, bá hộ Lê viết Điền đã cúi đầu nhận tội trước nhân dân và bị buộc phải từ chức, chính quyền thân Nhật ở xã sụp đổ, nhân dân Thủy Dương đã bầu Hội đồng Dân ủy gồm có 12 vị, do đồng chí Phùng Lưu đứng đầu.
Hội đồng Dân ủy đã thảo ra một  bản Hương ước mới quy định những nội dung cải cách hương thôn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Hội đồng; quy định lại thể lệ chia ruộng đất công, vấn đề tài chính và những vấn đề phong tục tốt đẹp cần phát huy. Bản Hương ước mới của xã đã được cuộc họp toàn dân tại Đình làng Thanh Thủy Thượng biểu quyết nhất trí tuyệt đối.
Như vậy là trên thực tế, nhân dân Thủy Dương đã làm chủ chính quyền ở xã mình trước ngày tổng khởi nghĩa, dưới hình thức một Hội đồng dân ủy do những người cộng sản nắm.
Hội đồng này giao cho đồng chí  Phùng Lưu đi gặp Tri Huyện Hương Thủy để trình bày danh sách Hội đồng và Hương ước mới. Tri Huyện lúc đó là Vũ Thọ, người Quảng Nam, có vợ là Chị Lý, đã tham gia Việt Minh trên Huế nên đã chịu ảnh hưởng của Cách mạng. Vũ Thọ đón tiếp các đại diện của Thủy Dương một cách niềm nở, công việc diễn ra một cách nhanh gọn. Vũ Thọ còn nhắc đồng chí ta :”Hội đồng dân cử giống với các Xô Viết, vì vậy, khi giao thiệp với chính quyền cấp trên (lúc ấy còn trong tay địch) và với bọn Nhật, phải lấy danh nghĩa lý hương.
Thế là phong trào đòi cải cách hương thôn của Thủy Dương đã giành được thắng lợi, nhân dân đã giành được một phần quyền làm chủ quê hương mình. Thắng lợi đó đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần và quyết tâm đấu tranh giành độc lập - tự do của nhân dân. Và đây thực chất là bước chuẩn bị tinh thần, tư tưởng và tư thế cho nhân dân Thủy Dương đến với tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Thủy Dương trở thành căn cứ của Cách mạng ở Huyện Hương Thủy.
Sau bước thắng lợi nói trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường cho phong trào Hương Thủy 3 đồng chí Lê Minh, Lê Quang Thuyết và Trần Bạch Vân. Lúc này ở Thủy Dương, ngoài tổ chức Việt Minh do đồng chí Lễ đứng đầu, còn có một tổ chức gọi là “Việt Minh Thuận Hóa” do các đồng chí Phương, Phô thành lập. Ngoài ra, còn có tổ chức Tân Việt Nam, thực chất cũng là đoàn thể yêu nước và Cách mạng, nhưng lại ảo tưởng vào việc có thể nhờ vào Nhật mưu cầu độc lập. Các đồng chí về Thủy Dương đã tiến hành đấu tranh và thống nhất 3 tổ chức nói trên thành Việt Minh thống nhất của xã. Trên cơ sở này mà Việt Minh huyện Hương Thủy được thành lập do đồng chí Lê Minh làm bí thư. Vì thế, nhiều hội viên Việt Minh Thủy Dương đã tham gia vào Ban lãnh đạo Việt Minh huyện và các tổng, như các đồng chí Lễ, Lưu, Từ, Phương, Phô, Oanh và Năm Voi. Đồng thời Thủy Dương lúc này cũng trở thành cầu nối giao liên của phong trào cách mạng từ lãnh  đạo tỉnh đến Huế, Phú Vang, Phú Lộc và ngược lại. Tại đây nhiều tài liệu quan trọng của lãnh đạo tỉnh và huyện được cất dấu rồi phân phát đi các nơi. Xã đã đặt trạm liên lạc ở quán bán hàng tạp hóa mụ Viên Huy để giao, nhận tài liệu với liên lạc của tỉnh, huyện và các huyện khác. Đồng chí Quyên, liên lạc của tỉnh thường đi về đây giao tài liệu học tập và truyền đơn được in  ở Phú lộc cho địa phương và cho cả huyện Hương Thủy. Đồng chí Phùng Lưu đã nhiều lần đến đây nhận các tài liệu đó.
Nhân dân Thủy Dương được giác ngộ Cách mạng, đã hết sức giữ gìn bí mật và bảo vệ các đồng chí giao liên và cán bộ một cách chu đáo.
Nhiều thanh niên tiến bộ và tích cực của Thủy Dương được tổ chức vào lực lượng tự vệ vũ trang để bảo vệ cán bộ đi lại và bảo vệ các cuộc nhóm họp của quần chúng, lực lượng này do đồng chí Năm Voi (tức Nguyễn Thanh Thuận) chỉ huy. Không khí xã hội của Thủy Dương nhìn từ bên ngoài có vẻ bình thường, nhưng bên trong thực ra đang sôi sục một phong trào tích cực chuẩn bị cho sự bùng nổ của cách mạng. Bọn mật thám của Nhật đã đánh hơi thấy, chúng nhiều lần mò về Thủy Dương rình rập, nhưng Tri Huyện Võ Thọ đã bí mật báo cho địa phương biết để đề phòng. Do đó các đồng chí ta hoạt động thận trọng hơn, một số đồng chí cốt cán đã thoát ly gia đình vào hoạt động hoàn toàn bí mật.
Lực lượng vũ trang tự vệ của xã được trang bị chủ yếu bằng dao găm, giáo, mác, chỉ có một khẩu Mút -cơ - tông, một khẩu Rơ -manh - tông, ba khẩu súng Nhật và một khẩu súng săn 2 nòng, được chia làm 2 nhóm : một do đồng chí Năm Voi, một do đồng chí Phương chỉ huy, đã ngày đêm tích cực luyện tập ném dao găm, ném lựu đạn, bắn súng. Chỉ một việc đó đã làm náo nức cả xóm thôn.
Ngoài ra ở xã cũng có một bộ phận lực lượng bán vũ trang của chính phủ Trần Trọng Kim, đó là thanh niên Phan Anh, do Lê Viết Huỳnh làm thủ lĩnh. Cách mạng Thủy Dương đã lôi kéo lực lượng này theo Việt minh. Nhờ có thế hợp pháp nên lực lượng này luyện tập một cách công khai, khi cần là có thể phân công làm nhiệm vụ của một lực lượng tự vệ vũ trang cuả xã. Như vậy là hầu hết thanh niên của xã được tổ chức vào lực lượng xung kích và nòng cốt của cách mạng. Thực tế đó làm cho bọn tay sai của Nhật  ở Thủy Dương chùn tay không dám hoạt động gì và mọi âm mưu, thủ đoạn của giặc Nhật không gây được một kết quả nào ở Thủy Dương.
Có thể nói trong vòng vài ba tháng sau khi Nhật đảo chính Pháp, phong trào cách mạng Thủy Dương đã phát triển mạnh, bước vào tháng 6 và 7 năm 1945, phong trào phát triển như diều gặp gió. Những cuộc tuyên truyền xung phong diễn ra khắp xã. Cứ nơi nào tụ tập đông người là đội viên tuyên truyền xung phong tranh thủ diễn thuyết, tuyên truyền điều lệ Việt Minh, sức mạnh của phong trào Việt Minh, ý nghĩa của lá cờ đỏ sao vàng, phổ biến bài Tiến quân ca, bài Diệt Phát xít và lời Hịch của Mặt trận Việt Minh cho thanh niên và nhân dân trong xã. Nhân dân càng hăng hái, phấn khởi. Nhiều người tích cực đi rãi truyền đơn, dán áp phích, treo biểu ngữ, cắm cờ đỏ sao vàng ở nhiều  nơi trong xã, nhất là những chổ đông người qua lại và tụ tập như chợ Hôm, chợ Mai, trường Văn Thánh, Đình làng. Vì thế nhân dân Thủy Dương đã đoàn kết chặt chẽ trong tổ chức Việt Minh của xã và sẵn sàng hưởng ứng ngày nổi dậy cướp chính quyền dưới bóng cờ đỏ sao vàng 5 cánh của Việt Minh. Tháng 7/1945, Việt Minh Huyện và xã kết hợp với nhau, lợi dụng lễ Tế Thần ở Đình Thanh Thủy Thượng, tổ chức một buổi mít - tinh diển thuyết quan trọng. Ngày đó thực chất là ngày nhân dân Thủy Dương biểu dương sức mạnh cách mạng của mình. Toàn xã tràn ngập không khí phấn khởi, hồ hởi. Tuy chưa chính thức công bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến và thành lập chính quyền cách mạng, nhưng thực chất cách mạng đã làm chủ tình hình ở Thủy Dương. Từ sau đó, cán bộ Việt Minh xã, huyện, tỉnh đi lại hoạt động tự do trong xã, không bị sự ngăn trở nào. Đồng thời phong trào Việt Minh Thủy Dương có ảnh hưởng mạnh đến phong trào các xã thuộc 2 Tổng Dạ Lê, An Cựu và các Tổng khác trong huyện Hương Thủy, phối hợp nhịp nhàng với Việt Minh Phú Vang, Phú Lộc, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tóm lại, phong trào yêu nước và Cách mạng Thủy Dương từ năm 1925 đến trước khởi nghĩa Tháng Tám đã phát triển thuận theo chiều đi lên liên tục. Hai mươi năm ấy là  hai mươi năm Thủy Dương tìm đến và bắt gặp tư tưởng Cách mạng của thời đại - Chủ nghĩa Mác -Lênin và đường lối Cách mạng Vô sản. Tiếp thu tư tưởng Cách mạng đó, đồng thời chuẩn bị về tổ chức, về lực lượng, về phong trào quần chúng cho tư tưởng cách mạng đó chiến thắng ở Thủy Dương. Đó là hai mươi năm lòng yêu nước truyền thống của nhân dân Thủy Dương được nâng lên thành tinh thần cách mạng kiên cường dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm phấn đấu cho độc lập, tự do và dân chủ của dân tộc và nhân dân. Phong trào cách mạng của nhân dân Thủy Dương trong 20 năm đã phát triển từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ quy mô nhỏ đến quy mô toàn xã và thực sự có khí thế “đạp lên đầu thù” vào thời kỳ mà từ sau cuộc đảo chính của Nhật đối với Pháp tháng 3 năm 1945.

*
*    *

IV/  Cách mạng Tháng Tám ở Thủy Dương :
        1) Đêm trước của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám :
Trước những ngày tổng khởi nghĩa Tháng 1945, phong trào cách mạng Thủy Dương phát triển trong điều kiện thuận lợi. Trong cả nước, phong trào cách mạng “Tiền khởi nghĩa” đã phát triển mạnh, khu giải phóng Việt Bắc được thành lập và thi hành triệt để 10 chính sách lớn của Việt Minh trong khu giải phóng; phong trào cách mạng của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phát triển mạnh. Điều đó đã khích lệ mạnh mẽ phong trào cách mạng của Thủy Dương. Trong khi đó thì Việt Minh huyện Hương Thủy rất quan tâm lãnh đạo phong trào của Thủy Dương. Cuối tháng 7 năm 1945, đồng chí Lê Minh đã triệu tập cuộc họp quan trọng của Việt Minh huyện  tại Thủy Dương, hội nghị đã thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Huyện Hương Thủy và đề ra chủ trương giải pháp thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng các tổng và xã trong huyện; đồng thời quyết định đẩy mạnh hoạt động của Việt Minh các tổng, xã; thành lập lực lượng tự vệ vũ trang các xã, phân hóa và nắm chắc các tầng lớp trung gian; nắm chắc thanh niên Phan Anh ở địa phương; lôi kéo các phần tử tiến bộ trong bọn quan lại cấp huyện; đẩy mạnh hơn nữa  công tác tuyên truyền xung phong, chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa khi có lệnh.
Những chủ trương trên của huyện đã được triển khai sớm nhất ở Thủy Dương. Ủy ban dân tộc giải phóng của xã được thành lập. Nhiều cán bộ của Thủy Dương đi thành lập và tham gia Ủy ban dân tộc giải phóng của các xã trong 2 tổng Dạ Lê. An Cựu như các đồng chí Lê Trọng Bật, Nguyễn Hữu Lễ, Ngô  Hữu Oanh, Phùng Lưu, Lê Trọng Từ, Nguyễn Thanh Thuận và các đồng chí Dõng, đồng chí Đề.
Thực tế đó làm cho uy thế của Cách mạng ở Thủy Dương đã có sức áp đảo kẻ thù và phân hóa mạnh hàng ngũ của chúng. Bọn lý hương nằm im không dám ho he chống phá cách mạng. Tri Huyện Võ Thọ được vận động đã bí mật tham gia Việt Minh và tạo điều kiện cho Việt Minh hoạt động thuận lợi trong huyện Hương Thủy. Giám đốc Bảo An binh là Phùng Đông, người Thủy Dương, được vận động đã bí mật làm việc cho Việt Minh và hứa sẽ trao cả trại Bảo An binh cho cách mạng khi thời cơ đến. Và Phùng Đông đã làm như lời hứa, về sau anh tham gia Quân đội Nhân dân ở Trung đoàn Trần Cao Vân, đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và bị giặc bắt, dụ dỗ, tra tấn, giam cầm vẫn không khuất phục được anh, chúng đã giết hại anh tại Đà Nẵng, Chính Phủ ta truy tặng anh Huân chương Quân công hạng ba và nhân dân quê hương đã ghi nhớ anh một cách xứng đáng.
Thanh niên Phan Anh ở Thủy Dương đã hoàn toàn ngã hẳn theo cách mạng. Như vậy là kẻ thù ở Thủy Dương đã bị phân hóa, bị suy yếu, bị sa sút về tinh thần, tan rã về tổ chức và mất hết sức đề kháng.
Trong khi đó, tình hình khách quan thay đổi rất mau chóng. Vào đầu trung tuần tháng 8/1945, chính phủ Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, làm cho quân Nhật chiếm đóng ở Đông Dương  hoang mang dao động và tan rã về tinh thần. Năm ngàn quân Nhật đóng ở Huế không còn hào hứng gì nữa để can thiệp vào công việc của nhân dân ta, Chính phủ Trần Trọng Kim tay sai của Nhật cũng tan rã, các hạng tay sai khác hoang mang, ngơ ngác. Kẽ thù của cách mạng hầu như tê liệt. Tin tức về phong trào cách mạng các địa phương từ ngoài Bắc, trong Nam và từ các huyện khác của tỉnh Thừa Thiên dội đến Thủy Dương đã  tiếp thêm sức mạnh cho cách mạng Thủy Dương vốn đã mạnh rồi. Như tin du kích Phong Điền chặn một toán quân Nhật đi tuần tiểu để cướp súng đã khích lệ nhân dân Thủy Dương dũng cảm chặn một đoàn xe quân sự của Nhật chạy trên đường số 1 qua địa phương của xã, yêu cầu chúng không can thiệp vào việc của cách mạng. Truyền đơn tuyên truyền về sự thất bại của Nhật và kêu gọi nhân dân sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa giành chính quyền được tung khắp xã. Thanh niên nam nữ ra sức luyện tập quân sự, suốt ngày tiếng hô “một, hai, một, hai” vang vọng khắp làng. Các bài hát Tiến quân ca, Diệt phát xít được hát công khai. Cả Thủy Dương nhộn nhịp rộn ràng, phấn khởi trong không khí “ Đêm trước tổng khởi nghĩa”.
2) Diễn biến tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủy Dương :
Ngày 13-8-1945, hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp tại Tân trào, hội nghị nhấn mạnh rằng thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín muồi; nên đã thành lập Ủy ban tổng khởi nghĩa toàn quốc. Ngay trong đêm hôm đó, Ủy ban tổng khởi nghĩa đã ra quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc :
“Hởi quân, dân toàn quốc !
Mười hai giờ trưa ngày 13 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù của chúng ta đã ngã gục.
Giờ tổng khởi nghĩa đã đến,
Cơ hội ngàn năm có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà đã đến.
Chúng ta phải hành động cho nhanh, với tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng.
Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn. Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta” .
Trong khi đó thì đón trước thời cơ, ngày 12 -13-8-1945 Tỉnh Ủy Thừa Thiên Huế triệu tập một hội nghị mở rộng tại nhà 46 Phố Giáng hạ phường Phú Bình Huế để bàn bạc kế hoạch hành động trong toàn tỉnh và  ở thành phố Huế. Hội nghị đã quyết định các vấn đề quan trọng sau đây :
1- Khởi nghĩa dựa vào lực lượng quần chúng có vũ trang là chủ yếu, lấy tự vệ vũ trang làm nòng cốt.
2- Khởi nghĩa sẽ nổ ra ở các địa phương trước rồi kéo lực lượng về Huế phối hợp với lực lượng Cách mạng của Huế để khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế.
3-Xúc tiến một đợt công tác cuối cùng nhằm nắm chắc hơn nữa lực lượng Bảo an binh, thanh niên tiên tiến, Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim.
4- Chọn Phú Lộc và Phong Điền là 2 huyện có phong trào mạnh để tiến hành khởi nghĩa trước nhằm rút kinh nghiệm cho các địa phương khác.
Tiếp thu nghị quyết của Tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh, các Huyện đã nhanh chóng triển khai kế hoạch khởi nghĩa ở địa phương mình. Ở huyện Hương Thủy 2 ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945, Việt Minh Huyện đã họp tại chân núi Động Sầm ở Thủy Dương, gồm đại biểu Việt Minh huyện và các tổng, xã trong toàn huyện. Hội nghị đã bầu Ủy ban khởi nghĩa của huyện và thông qua kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền của huyện như sau :
- Tổ chức nhân dân Thủy Dương  khởi nghĩa giành chính quyền trước vào đêm 19, ngày 20-8-1945 để rút kinh nghiệm cho các xã khác.
- Huy động lực lượng của Thủy Dương giúp đở các xã khác khởi nghĩa giành chính quyền.
- Khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã phải xong xuôi trong 2 ngày 20 và 21-8-1945.
- Đến ngày 22-8-1945, sẽ khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ Hương Thủy, sau đó kéo lực  lượng  lên  phối  hợp  và tiếp  sức với  Huế để  khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế.
Kế hoạch khởi nghĩa của huyện rất rõ ràng, chặt chẽ, cán bộ các xã lập tức trở về xã triển khai kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở xã mình. Việc này có thuận lợi là Tri huyện Võ Thọ tiếp thu tinh thần của Việt minh huyện, đã gởi trát xuống các xã yêu cầu trong 2 ngày 20 và 21-8-1945 dân các làng đều phải tập trung ở Đình làng để đón đại diện của huyện, của tỉnh về xã hiểu dụ. Vì thế mà cách mạng có cái cớ hợp pháp để huy động dân các làng, xã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Đau khổ, uất hận, căm giận bao năm, giờ đây tất cả nhân dân đã bừng bừng đứng dậy thành sức mạnh cách mạng to lớn nhằm đánh đổ chính quyền đế quốc - phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Ở Thủy Dương, theo quyết định của huyện, phải khởi sự đêm 19 sáng 20-8-1945. Đêm 19-8 dân Thủy Dương không mấy ai ngủ. Tin Phú lộc, Phong Điền khởi nghĩa thành công tới tấp bay đến  Thủy Dương, khiến mọi người đều nao nức chờ giờ hành động. Tự vệ, thanh niên mang giáo, mác gậy gộc đi lại rầm rập suốt đêm, sôi nổi bàn luận về Việt Minh, về Cách mạng, hay kiểm tra lại cờ, biểu ngữ, dán các khẩu hiệu cổ động khởi nghĩa và tất cả đều nao nức chờ đến sáng.
Ngày 20-8, mới sáng sớm tinh sương, các ngã đường làng Thủy Dương đã chật ních người. Người ta cầm theo cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ ghi đậm các khẩu hiệu:
“Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm”
“Ủng hộ Việt Minh”
“Đá đảo Phát xít Nhật”
“Đá đảo chính phủ Trần Trọng Kim” .v.v...
Đương nhiên mỗi người đều tự trang bị cho mình một thứ vũ khí gì đó, đang kéo gấp về Đình làng Thanh Thủy Thượng, Thanh Dạ, Dương Phẩm và 2 ấp Xuân Sơn, Phường Chánh, đâu đâu cũng tưng bừng cờ đỏ tung bay, biểu ngữ dương cao, kéo về Đình Thanh Thủy Thượng. Về đến đình, mọi người xếp thành hàng ngũ chỉnh tề. Đứng đầu hàng người là đội tự vệ võ trang của xã, súng ống, lựu đạn nai nịt gọn gàng. Người không súng thì giáo mác cầm chắc trong tay, chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu dưới sự chỉ huy của đồng chí Năm Voi và Ngô Đức Oanh.
Tiếp đến là hàng ngũ của Thanh niên, Phụ lão, Phụ nữ. Tất cả đều đứng nghiêm trang dưới  lá cờ đỏ sao vàng đang phần phật tung bay. Một hồi trống trận được đánh lên vang vọng vào tất cả  các xóm, ngõ giục giã lòng người. Hồi trống vừa dứt thì đến lời hô chào cờ. Hàng nghìn con người xúc động chào lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Bài Tiến quân ca vang lên trầm hùng làm sôi động trái tim mọi người. Bài Tiến quân ca vừa dứt, đại diện Ủy ban khởi nghĩa huyện  lên tuyên  bố lệnh khởi nghĩa kêu gọi toàn dân dũng cãm xông lên phá tan xiềng xích nô lệ, giải phóng quê hương. Sau đó, đại diện Việt Minh huyện giới thiệu chương trình Việt Minh, nói rõ chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận, hô hào toàn dân ủng hộ Việt Minh và cứu nước cứu nhà. Mọi người đều chăm chú lắng nghe những điều nói trên trong lòng tràn ngập niềm vui, niềm tin và quyết tâm.
Giữa sân đình đầy ánh nắng, giữa hàng nghìn người có vũ trang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, đồng chí cán bộ Việt Minh trịnh trọng tuyên bố : Từ nay xóa bỏ chính quyền thống trị của đế quốc Pháp, phát xít Nhật và phong kiến, nước Việt Nam hoàn thoàn độc lập, chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân.
Liền sau đó đồng chí Năm Voi, thay mặt đội tự vệ võ trang bắn 3 phát súng báo hiệu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủy Dương đã thắng lợi, không có một sự phản ứng nào của kẻ thù. Hội đồng dân ủy chính thức giao chính quyền cho Việt Minh xã. Đội thiếu niên của xã được chuẩn bị trước đã đánh trống, thổi kèn mừng khởi nghĩa thắng lợi. Sau đó đại diện Việt Minh giới thiệu thành phần Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của xã do đồng chí Lê Trọng Bật làm chủ tịch, đồng chí Nguyễn Hữu Lễ được giới thiệu là Bí Thư Việt Minh của xã. Nhân dân Thủy Dương đã tỏ lòng nhiệt liệt hoan hô và ủng hộ chính quyền Cách mạng của xã bằng cách giơ cao nắm tay hô to các khẩu hiệu :
“Việt Nam độc lập muôn năm”
“Ủng hộ Việt Minh”
“Ủng hộ Ủy ban nhân dân cách mạng”
Mọi thứ tiếng động khác đều chìm lắng trong tiếng hô khẩu hiệu vang trời dậy đất, bầu trời Thủy Dương như bừng sáng hơn lên.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủy Dương diễn ra nhanh chóng và không đổ máu. Đó là nhờ lãnh đạo của xã đã thực hiện đúng kế hoạch chỉ đạo của tỉnh, của huyện và khéo léo xử dụng bạo lực chính trị của quần chúng, đồng thời khéo léo phân hóa và làm vô hiệu hóa các tổ chức  chính trị và vũ trang của kẻ thù và lôi kéo được các phần tử tiến bộ trong hàng ngũ chính quyền tay sai của Nhật đi với cách mạng.
Sau khi chứng kiến và công nhận chính quyền cách mạng của xã mình, nhân dân Thủy Dương kéo đi tuần hành thị uy, biểu dương lực lượng. Từ Đình Thanh Thủy Thựơng, đoàn người hùng dũng kéo đi theo bờ sông Lợi nông, đi qua cách đồng của xã và kéo thẳng đến làng Thanh Thủy Chánh hổ trợ cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở đây. Ngày 21-8-1945, bọn lý hương ở Thanh Thủy Chánh đã nộp hết sổ sách, đồng triện cho Việt Minh. Sau đó lực lượng khởi nghĩa của Thủy Dương và Thanh Thủy Chánh đã hợp làm một, kéo đi biểu tình hổ trợ cho khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã Vân Thê,  Dạ Lê, Xuân Hòa, Vân Dương, An Cựu Đông, Dạ Lê Thượng, Thanh Lê, Thanh Lam, Phương Lam.
Như vậy là Thủy Dương nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền đã châm ngòi pháo cho cách mạng tháng Tám ở huyện Hương Thủy. Từ Thủy Dương, bằng pháo nổ giòn giả đưa đến sự thành công của cách mạng toàn Huyện Hương Thủy. Nhân dân Thủy Dương như dòng suối chảy gặp dòng sông rộng, cứ biểu tình tuần hành đi hết xã này qua xã  khác, làm lực lượng tiên phong của cách mạng Tháng Tám ở Hương Thủy. Đến ngày 21-8-1945 thì việc cướp chính quyền cấp xã đã thành công trong toàn Huyện.
Ngày 22-8-1945, nhân dân Thủy Dương lại vũ trang kéo đi tham gia cướp chính quyền ở huyện Hương Thủy. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân cách mạng xã, do đội tự vệ võ trang dẫn đầu, dòng người Thủy Dương xiết chặt hàng ngũ rầm rập kéo theo đường số 1 về huyện lỵ. Chốc chốc hàng nghìn nắm tay lại vung lên, hô to các khẩu hiệu cách mạng :
“Hồ Chủ tịch muôn năm”
“Cách mạng thành công muôn năm”.v.v...
Mười một giờ trưa, đoàn biểu tình cướp chính quyền ở huyện lỵ của các xã đều đã kéo đến trước huyện đường Hương Thủy. Giáo mác sáng loáng, cờ đỏ rợp trời huyện Hương Thủy chìm trong khí thế sôi sục cách mạng của hàng vạn quần chúng đi giành chính quyền. Tri huyện Hương Thủy là Võ Thọ, được giác ngộ, đã theo Việt Minh, xếp sẵn hồ sơ, sổ sách, dấu triện, để bàn giao cho Việt Minh tại công đường. Sau đó một cuộc Mít tinh lớn được tổ chức. Trước hàng vạn nhân dân, đồng chí đại diện Uíy ban khởi nghĩa Huyện trịnh trọng tuyên bố xóa bỏ chế độ cai trị của phát xít Nhật - Pháp và vua quan phong kiến, chính quyền từ nay hoàn toàn về tay nhân dân.
Sau đó, các chiïnh sách của Việt Minh được tuyên đọc trước quần chúng, mọi người chăm chú lắng nghe, lòng tràn đầy phấn khởi, hy vọng. Danh sách thành viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và lãnh đạo Việt Minh được thông qua trước nhân dân. Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hương Thủy do đồng chí Phạm Bạch Vân làm chủ tịch, đồng chí Lê Quang Thuyết và cựu tri huyện Võ Thọ làm phó chủ tịch. Việt Minh huyện do đồng chí Lê Minh làm bí thư. Danh sách đọc xong thì hàng tràng vổ tay kéo dài như sấm dậy.
Những khẩu hiệu cách mạng thật quen thuộc lại được hô vang. Ai cũng hô thật to, như để cho Tổ quốc và cả kẻ thù đều nghe rõ tiếng hô tự do của mình.
 Sau cuộc mít tinh lịch sử ở huyện lỵ, vẫn hàng ngũ chỉnh tề, uy nghiêm như lúc đến, nhân dân các địa phương lại biểu tình tuần hành về các xã, ấp. Tiếng kèn, tiếng trống, tiếng loa, tiếng hô khẩu hiệu râm ran, tiếng chân đi rầm rập, tạo ra khung cảnh náo nhiệt khắp các làng quê và mọi người lòng vui như hội, đón mừng cuộc sống mới của quê  hương, của bản thân mình.
 Theo đúng kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa Tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 23-8-1945, nhân dân Thủy Dương lại xuống đường kéo đi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Thành phố Huế, sau cả 3 ngày xuống đường biểu tình tuần hành đi giành chính  quyền ở xã, ở huyện và các xã bạn, vẫn không ai tỏ ra mệt mỏi, ngược lại, khí thế cách mạng càng lên cao, tinh thần mọi người hăng hái. Mỗi người đều tự trang bị cho mình đủ cả vũ khí, cờ, biểu ngữ. Đoàn của xã có một biểu ngữ lớn, một lá cờ lớn : Mỗi đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, phụ lão lại có một biểu ngữ và một cờ lớn nữa. Làm xong công tác tổ chức ở Đình làng Thanh Thủy Thượng, đoàn biểu tình ra đường số 1 hành quân lên Huế, vừa đi vừa hô khẩu hiệu vang trời, đến trưa thì đến trung tâm thành phố. Tạm nghĩ trưa ở gần Tòa khâm, sau đó cùng đoàn của các địa phương khác đến tập trung tại Sân vận động Huế. Đường tới Sân vận động đông ngịt người. Cả một rừng cờ sao, biểu ngữ, giáo mác, gậy gộc, vừa di động vừa reo hò, hô khẩu hiệu rung trời chuyển đất. Vào chiều thì tất cả các đoàn đều đã vào Sân vận động. Có đến 15 vạn người đến đây để mít tinh chứng kiến  sự sụp đổ của chế độ vua quan phong kiến tay sai của đế quốc và sự thành lập chính quyền nhân dân cấp tỉnh. Cả Sân vận động rợp bóng cờ cao, biểu ngữ, giáo mác, gậy gộc. Lễ đài được trang hoàng rực rỡ mà trang nghiêm. Quanh lễ đài, hai hàng chiến sĩ tự vệ tay trái mang 3 băng đỏ, tay phải cầm chắc vũ khí, mặc đồng phục màu đen, đứng nghiêm trang. Cách đội  tự vệ 10 mét là các đoàn thể quần chúng nhân dân đứng thành khối rất chỉnh tề. Trên lễ đài có 2 khẩu hiệu lớn, chữ vàng nổi trên nền đỏ thắm:
“Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”
“Hồ Chủ tịch muôn năm”
Khoảng 3,4 giờ chiều, đoàn chủ tịch cuộc mít tinh bước ra lễ đài trong tiếng vỗ tay vang dội, kéo dài của hàng vạn quần chúng. Đồng chí Tố Hữu, chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa bước ra diển đàn, trịnh trọng tuyên bố : “...Nhân cơ hội ngàn năm có một này, khi giặc Pháp, giặc Nhật bại trận và suy yếu, nhân dân ta muôn người như một vùng dậy, đứng lên cướp chính quyền về tay ta, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân cách mạng. Hôm nay, cũng như các Tỉnh trong 3 kỳ Bắc, Trung, Nam, ta biểu dương lực lượng hùng mạnh của toàn dân toàn Tỉnh để tuyên bố cho cả nước và Thế giới đều biết, ta là người làm chủ duy nhất của Tỉnh ta, của đất nước ta...” 
Đồng chí Tố Hữu vừa dứt lời, từng đợt vổ tay hoan nghênh và hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy. Sau đó đồng chí Tố Hưũ tuyên bố sự thành lập và danh sách các vị trong Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Tôn Quang Phiệt, một trí thức và nhà giáo yêu nước có tiếng rất quen biết và tin cậy đối với nhân dân Huế làm chủ tịch.
Sau cuộc mít tinh lớn tại Sân vận động, hàng chục vạn quần chúng đi lại giương cao băng cờ, biểu ngữ đi tuần hành khắp thành phố, đến chiều tối mới giải tán. Đoàn Thủy Dương mãi đến tối mịt mới về đến xã nhà, mọi người đều vui sướng đến quên cả mệt nhọc.
Các ngày 28 và 30-8-1945, Thủy Dương lại tổ chức nhân dân lên Huế đón đoàn đại biểu chính phủ lâm thời Trung ương và dự mít tinh chứng nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại, của chính phủ Trần Trọng Kim. Nền quân chủ chuyên chế phong kiến được chính thức tuyên bố xóa bỏ vĩnh viễn, nhường chổ cho chế độ dân chủ cộng hòa của nhân dân Thừa Thiên Huế và cả nước ra đời.
Tóm lại, từ năm  1925 đến cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thủy Dương là một xã  sớm có phong trào yêu nước và cách mạng ngày càng mạnh mẽ, tiêu biểu của huyện Hương Thủy và đã đóng góp phần xứng đáng nhất vào trang sử của huyện trong giai đoạn Đảng được thành lập và lãnh đạo nhân dân toàn quốc đấu tranh giành chính quyền và đòi độc lập - tự do. Thủy Dương là nơi dừng chân và  căn cứ lãnh đạo của Đảng và Việt Minh huyện. Là nơi được chọn làm khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên để rút kinh nghiệm và mở đầu cho khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn huyện. Thủy Dương lại còn hổ trợ đắc lực cho các xã  thuộc 2 tổng Dạ Lê, An Cựu khởi nghĩa giành chính quyền. Thủy Dương đã đào tạo và cung cấp cho phong trào cách mạng của huyện nhiều cán bộ cốt cán, đãm đương các trọng trách trong bộ máy Đảng, Mặt trận Việt Minh và chính quyền nhân dân ngay sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền : Đồng chí Lê Trọng Bật làm chủ tịch huyện, đồng chí Lê Trọng Từ làm Ủy viên Thư ký Ủy ban nhân dân huyện, đồng chí Phùng Lưu làm bí thư nông hội huyện, đồng chí Lê Thị Bích Lý phụ trách  phụ nữ huyện. Còn các đồng chí Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Thanh Thuận  (Năm Voi), Nguyễn Thượng Phương, Nguyễn Phô làm ủy viên trinh sát, ủy viên quân sự, ủy viên ban Việt Minh huyện. Đồng chí Ngô Hữu Oanh được cấp trên cử sang phụ trách quân sự huyện Phú Vang. Bên cạnh đó, Thủy Dương còn giữ vai trò đầu mối giao liên một cách an tòan, vững chắc cho phong trào cách mạng của tỉnh Thừa Thiên từ Huế đến các huyện phía nam của tỉnh. Vì thế, nhân dân Thủy Dương có niềm tự hào chính đáng về phong trào cách mạng và sự đóng góp tích cực, to lớn của mình vào sự nghiệp cách mạng vẽ vang của nhân dân huyện Hương Thủy và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế.

                                                                                                                                           (Còn nữa)
                                                                                Trích: Lịch sử phong trào yêu nước và cách mạng xã Thủy Dương (1925-1985)

 

                                                                                        NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA 2-2008
 

BBT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.078.063
Truy câp hiện tại 209