Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
HÒA GIẢI TRANH CHẤP TRONG HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Ngày cập nhật 04/08/2023

1. Chị Huế phát hiện chồng là anh Tám có có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác. Khi bị vợ phát hiện, anh Tám đã công khai mối quan hệ này và làm đơn ly hôn với chị Huế, mặc dù chị Huế đang mang thai. Chị Huế đã nhờ hòa giải viên là anh An tư vấn, trong trường hợp này, anh An áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời:

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, anh Tám  không có quyền yêu cầu ly hôn, vì chị Huế đang có thai theo quy định nêu trên.

2. Chị Ánh và anh Nam kết hôn được 7 năm, có một cô con gái. Do công việc nên anh Nam đi làm xa còn chị Ánh ở nhà chăm con và bố mẹ chồng. Khi bố, mẹ chồng ốm đau, chị Ánh hết lòng chăm sóc cha mẹ chồng. Anh Nam cũng thường xuyên đi về thuốc thang cho cha mẹ. Tuy nhiên,  từ khi bố mẹ chồng mất, anh Nam ít khi về nhà và gần đây thì về và đưa đơn ly hôn đề nghị chị Ánh ký vào.  Chị Ánh không muốn ly hôn nên không ký, vì chị thấy mình chẳng có lỗi gì với chồng, với gia đình nhà chồng. Anh Nam gây căng thẳng buộc chị ký vào đơn và nói nếu chị không ký vào đơn yêu cầu ly hôn thì anh có thể đơn phương ly hôn. Chị Ánh đã nhờ chị Mai hòa giải viên tư vấn. Chị Mai áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn cho chị Ánh?

Trả lời:

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về khuyến khích hòa giải ở cơ sở như sau:

Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Nam làm đơn yêu cầu ly hôn đề nghị chị Ánh ký nhưng chị Ánh không ký thì anh Nam vẫn có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Vì vậy, khi thấy anh Nam vẫn kiên quyết ly hôn, chị Ánh  có thể nhờ tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố hòa giải vụ việc.

3. Chị Hoa và anh Minh kết hôn được 5 năm. Sau khi kết hôn mua anh Minh tích góp mau được một căn hộ chung cư với diện tích là 50 m2. Thời gian gần đây, anh chị có nhiều mâu thuẫn và muốn ly hôn. Việc chia tài sản chị Hoa đề nghị căn nhà là tài sản riêng của anh Minh nên vẫn thuộc quyền sở hữu của anh, chị sẽ tìm chỗ ở mới. Chị Hoa chỉ yêu cầu anh Minh thanh toán cho chị một phần chi phí do anh chị cùng bỏ ra để sửa chữa căn nhà và cho chị lưu trú tại căn hộ này thêm 03 tháng để tìm thuê nhà. Anh Minh không đồng ý với yêu cầu của chị Hoa, đồng thời anh Minh yêu cầu chị Hoa phải dọn đi ngay lập tức. Chị Hoa đã nhờ bà Phương là hòa giải viên tư vấn. Bà Phương áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn cho chị Hoa.

Trả lời:

Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn như sau:

Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình quy định tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

 Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, do chị Hoa có công sức và tiền bạc bỏ ra để sửa chữa ngôi nhà cùng anh Minh trong thời kỳ hôn nhân nên khi ly hôn anh Minh có trách nhiệm thanh toán phần giá trị này cho chị Hoa. Đồng thời, trong lúc chị Hoa đang gặp khó khăn về chỗ ở thì anh Minh có nghĩa vụ bảo đảm quyền được quyền lưu cư của chị Hoa theo quy định của pháp luật. Anh Minh không được phép bắt chị Hoa phải dọn đi ngay.

4. Sau khi kết hôn, anh Khanh và chị Hương xây dựng được ngôi nhà trên mảnh đất của bố mẹ chồng. Gần đây, anh Khanh thất nghiệp cũng không chịu tìm việc làm chỉ suốt ngày bắt chị Hương đưa tiền để đi uống rượu, chơi bài. Chị không đưa thì anh đánh đập nên chị muốn ly hôn. Mẹ chồng biết chị muốn ly hôn đã bảo chị không ở được thì đi chỗ khác vì đất này của bà (mảnh đất này trước đây bà bảo cho vợ chồng chị làm nhà, bà chỉ nói với mọi người trong nhà mà chưa làm thủ tục sang tên). Bà còn nói: “Thằng Khanh không ký thì cô không ly hôn được và cô không được mang theo đứa con nào đi hết”. Chị Hương đã nhờ anh Dũng là hòa giải viên tư vấn. Anh Dũng áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời:

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình quy định tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, chị Hương có thể căn cứ vào các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.

5. Sau khi cưới nhau, vợ chồng anh Lực và chị Xoan được hai bên gia đình hỗ trợ tiền để mua một căn nhà, trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ghi tên của cả hai vợ chồng. Vừa qua, anh Lực đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Chị Xoan chuyển về quê sinh sống và có ý định bán căn nhà chung của hai vợ chồng. Khi biết chuyện, gia đình anh Lực đã yêu cầu chị Xoan phải chia căn nhà đó theo pháp luật về thừa kế. Chị Xoan không đồng ý. Hai bên xảy ra tranh chấp. Chị Xoan đã nhờ anh Vĩnh là hòa giải viên hòa giải. Anh Vĩnh áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Trả lời:

Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình quy định về giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:

1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 nêu trên, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, gia đình anh Vĩnh yêu cầu chia di sản thừa kế thì căn nhà thuộc sở hữu chung của anh Vĩnh và chị Xoan sẽ được chia đôi. Phần tài sản của anh Vĩnh sẽ được chia theo pháp luật về thừa kế với hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của Bộ luật dân sự gồm: vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của anh Vĩnh.

6. Gia đình chị Tuyền theo đạo phật nhưng khi kết hôn với anh Phúc thì chồng và gia đình chồng chị Tuyền ép chị phải theo đạo thiên chúa. Chị Tuyền không đồng ý và mâu thuẫn gia đình phát sinh. Chị Tuyền đã nhờ bà Tuyết là hòa giải viên hòa giải. Bà tuyết áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Trả lời:

Điều 24 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định như sau:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 22 Luật hôn nhân và gia đình quy định về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng như sau:

Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Tuyền có quyền tự do quyết định theo hoặc không theo đạo thiên chúa. Việc chồng và gia đình chồng chị Tuyền ép chị Tuyền phải theo tôn giáo của họ là trái với quy định của pháp luật.

7. Vợ chồng anh Quyền và chị Linh có chiếc xe ô tô bán tải để chở hàng phục vụ đời sống trong gia đình là tài sản chung nhưng chỉ ghi tên chị Linh trong giấy đăng ký xe. Do làm ăn thua lỗ vay nợ, chị Linh bàn với anh Quyền bán chiếc xe đó để trả nợ nhưng anh Quyền không đồng ý. Chị Linh cho rằng chiếc đó đăng ký tên mình thì mình được quyền quyết định bán. Hai vợ chồng mâu thuẫn. Anh Quyền đã nhờ ông Bảy là hòa giải viên hòa giải. Ông Bảy áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Trả lời:

Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình quy định về chiếm hữ, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:  

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

 Vì vậy, mặc dù chiếc xe chỉ ghi tên chị Linh trong giấy đăng ký xe nhưng là tài sản chung, là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình và việc quyết định bán chiếc xe phải có sự thỏa thuận đồng ý bằng văn bản của vợ chồng anh Quyền và chị Linh. Chị Linh có thể bán chiếc xe nhưng phải có sự đồng ý của anh Quyền. Trường hợp chị Linh tự mình bán chiếc xe cho người thứ ba mà chưa được sự đồng ý, ủy quyền của anh Quyền thì giao dịch đó vô hiệu.

8. Anh Tiến và chị Lan kết hôn được 5 năm và có một con chung. Anh chị sống rất hạnh phúc nhưng có một chuyện làm chị Lan buồn lòng là đi làm về anh Tiến không giúp đỡ chị làm việc nhà. Anh chỉ ngồi đọc báo hoặc xem ti vi. Sau giờ làm, chị Lan làm hết việc từ nấu cơm cho gia đình, tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa. Chị Lan rất bực mình nhưng hễ nói, anh Tiến cho rằng việc nội trợ là của phụ nữ. Vừa qua, cơ quan chị Lan đi học nâng cao trình độ ở tỉnh khác trong thời gian 3 tháng. Chị về nói chuyện với anh Tiến nhưng anh không đồng ý vì không có ai chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Chị Lan bảo đã nhờ được bà ngoại lên nhưng anh Tiến vẫn không đồng ý. Hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Chị Lan đã nhờ chị Ánh là hòa giải viên hòa giải. Chị Ánh áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Trả lời:

Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình quy định  về bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng như sau:

Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.

Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình quy định về tình nghĩa vợ chồng như sau:

1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

Điều 18 Luật Bình đẳng giới quy định về bình đẳng giới trong gia đình như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

 3. Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.

          4. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

 5. Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.

    Căn cứ quy định nêu trên, anh Tiến và chị Lan đều bình đẳng với nhau trong mọi công việc kể cả trong gia đình và ngoài xã hội. Anh Tiến có trách nhiệm và nghĩa vụ giúp đỡ chị Lan trong công việc của gia đình và chăm sóc con cái. Còn về việc học tập của chị Lan, anh Tiến có hành động như vậy là trái với quy định của pháp luật. Anh Tiến có nghĩa vụ tạo điều kiện để vợ được đi học nâng cao trình độ, chứ không được ngăn cấm và gây áp lực cho chị Lan.

9Trước khi kết hôn chị Cúc, Anh Bảo mua được một căn hộ chung cưTuy nhiên, sau khi kết hôn với anh Bảo để thuận tiện cho việc đi làm, chăm sóc phụng dưỡng bố mẹ, hai vợ chồng anh chị về sống cùng bố mẹ chồng. Còn căn hộ chung cư thì cho người anh họ thuê với giá 3 triệu đồng/tháng. Gần đây, cần tiền kinh doanh anh Bảo trao đổi với chị Cúc sẽ bán căn hộ chung cư đó cho người anh họ với giá 900 triệu đồng. Thấy chồng bán nhà với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, chị Cúc không đồng ý. Hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Anh Bảo đã nhờ hòa giải viên là chị Dung hòa giải. Chị Dung áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Trả lời:

Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật hôn nhân và gia đình; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật hôn nhân và gia đình.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Anh Bảo có thể bán căn hộ chung cư khi không có sự đồng ý của vợ, vì căn nhà này là tài sản riêng được anh Bảo tạo lập trước khi kết hôn và sau khi kết hôn, anh Bảo cũng không có thỏa thuận nhập vào tài sản chung của vợ chồng.

10. Anh Đức và chị Đào kết hôn được 7 năm và sinh đôi được 2 con trai. Do anh Đức kiếm được nhiều tiền nên đã đề nghị chị Đào nghỉ việc ở nhà chăm sóc con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu. Muốn chồng yên tâm công tác, chị Đào đã chấp nhận bỏ việc cơ quan ở nhà lo việc gia đình. Mẹ chồng chị Đào lại cho rằng Chị Đào ăn bám chồng. Bà nói với mọi người tất cả tài sản trong nhà là của anh Đức, chứ chị Đào chỉ ở nhà làm nội trợ thì mua sắm được gì. Hàng xóm cứ người nói đi người nói lại làm chị thấy khó chịu. Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu âm thầm diễn ra. Do đó, chị đã nhờ bà Liên là hòa giải viên hòa giải. Bà Liên áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình năm quy định về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình quy định về tài sản chung của vợ, chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, anh Đức và chị Đào bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Sở tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.171.521
Truy câp hiện tại 240