Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng
Ngày cập nhật 24/10/2019
ảnh minh họa

Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số thành tựu nhất định, hiện nay tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 56,3%, thuộc nhóm cao nhất trong cả nước. Đây là kết quả khích lệ để ngành Lâm nghiệp tỉnh triển khai hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XV đề ra, phấn đấu độ che phủ rừng toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 57%.

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 502.629,57 ha. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp 348.836,90 ha (283.003,00 ha đất có rừng và 70.830,80 ha rừng trồng); trong 283.003,00 ha đất có rừng thì có 212.172,20 ha rừng tự nhiên. Hiện nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 56,3%.

Để tăng cường các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1464/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 về việc thành lập thí điểm Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 10 Quỹ đi vào hoạt động, phấn đấu đến hết năm 2017, sẽ thành lập Quỹ tại tất cả các xã có diện tích rừng trồng tập trung (lớn hơn 500 ha) trên toàn tỉnh.

Theo kế hoạch, trong năm 2017, ngành Lâm nghiệp sẽ đưa vào khoán bảo vệ rừng trên 150.000 ha chủ yếu từ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng, vốn sự nghiệp và một số chương trình dự án như SPRCC, JICA2. Trong đó, thực hiện thu hơn 30,5 tỷ đồng nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng để chi trả DVMTR cho các đơn vị, cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với khoảng 129.032,29 ha rừng. Đồng thời, triển khai trồng rừng khoảng 6000 ha (trong đó phòng hộ đặc dụng 481 ha, rừng sản xuất 5450 ha) và triển khai cấp chứng chỉ rừng FSC cho các hộ dân đăng ký với 1.307,7 ha đạt tiêu chuẩn/2.025 ha đăng ký.

Trong những năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong nước và quốc tế, công tác bảo tồn đa dạng sinh học nguồn tài nguyên rừng nguyên sinh có những bước phát triển rõ nét. Các Khu bảo tồn Sao La, Phong Điền, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tổ chức quản lý hiệu quả tài nguyên đa dạng sinh học, lồng ghép các hoạt động cải thiện sinh kế địa phương vùng đệm có hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào công tác bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt, nhờ vào công tác quản lý tài nguyên rừng hiệu quả, nên môi trường sống và sinh cảnh của các loài tự nhiên đã được phục hồi, đã có sự xuất hiện thường xuyên của các loài cu li nhỏ, voọc chà vá chân xám tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân.

Mặc dù công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã có chuyển biến tích cực, song  tình hình quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế và diễn biến phức tạp. Nhất là việc quản lý rừng của các chủ rừng chưa chặt chẽ và việc tuần tra kiểm soát thiếu thường xuyên nên vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 42 vụ phá rừng sản xuất lâm nghiệp với tổng diện tích 7,34 ha tại địa bàn huyện Nam Đông và A Lưới.

Phát triển rừng bền vững

 Để tiếp tục quản lý bảo vệ, phát triển rừng bền vững và sử dụng hợp lý đất lâm nghiệp nhằm bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học nguồn tài nguyên rừng nguyên sinh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững năm 2018. Mục tiêu đặt ra là phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, gắn với quy hoạch phát triển đô thị để tạo không gian xanh về môi trường, phát triển đô thị xanh; bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng, nhằm lưu giữ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm và phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái; xã hội hóa nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân sinh sống ở miền núi, vùng đệm; phấn đấu độ che phủ của rừng toàn tỉnh vào năm 2020 đạt 57%.

Theo đó, toàn bộ 212.172,20 ha rừng tự nhiên hiện có của tỉnh sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt. Năm 2018, trồng rừng mới 1.000 ha (460 ha rừng phòng hộ, 140 ha rừng đặc dụng, 400 ha rừng sản xuất), trồng lại rừng sau khai thác trên 6.000 ha chủ yếu là rừng sản xuất; chăm sóc 18.000 ha rừng (3.400 rừng đặc dụng và phòng hộ, 14.600 ha rừng sản xuất); trồng  01 triệu cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 500 ha và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp 500 ha; trên 1.000 ha rừng trồng sản xuất khu vực ngoài quốc doanh được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn, tiêu chí của FSC.

Về giải pháp, ngành Lâm nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý rừng và đất rừng theo Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng và Quyết định 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng và vận động nhân dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở các khu vực gần rừng, ven rừng tham gia tích cực bảo vệ rừng.

Ông Hồ Sĩ Nguyên, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để quản lý rừng bền vững, cùng với tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ, hồ đập thủy điện, thủy lợi, phòng hộ ven biển bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh  quan và bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng, ngành Lâm nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, tập thể, cộng đồng và hộ gia đình sử dụng cho mục đích lâm nghiệp lâu dài ổn định. Cùng với đó, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các thành phần kinh tế vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân miền núi, cộng đồng dân cư ở các khu vực gần rừng. Đồng thời, tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, kêu gọi đầu tư phát triển lâm nghiệp thông qua các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học và hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho ngành lâm nghiệp.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.072.442
Truy câp hiện tại 127