Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC TUYỂN SINH QUÂN SỰ NĂM 2022
Ngày cập nhật 30/03/2022

Lựa chọn nghề nghiệp là một trong những bước đi hết sức quan trọng quyết định đến cả cuộc đời của mỗi em sau này, để có sự lựa chọn đúng trước hết ta phải có nhìn nhận và hiểu đúng về nghề nghiệp, sở trường, khả năng, điều kiện của gia đình, bản thân để lựa chọn đúng ngành nghề mà mình muốn. Nhằm giúp các em có cái nhìn đầy đủ hơn, hiểu rõ hơn về công tác tuyển sinh quân sự và các học viện nhà trường trong Quân đội. Chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về Quân đội nhân dân Việt Nam, những thuận lợi, khó khăn khi xác định lấy binh nghiệp làm một nghề trong tương lai, giúp cho các em có một sự lựa chọn đúng đắn cho cuộc sống của mình sau này.

 

I. Truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện - một Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ. Trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội ta cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp nối nhau lên đường, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh xương máu, làm nên những chiến công oanh liệt, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, giành độc lập, hòa bình, thống nhất non sông, xây dựng đất nước đi theo con đường CNXH.

 Ngày nay, kế thừa truyền thống đó, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn miệt mài nghiên cứu, học tập, huấn luyện, xông pha đến những nơi khó khăn vất vả, ngày đêm canh giữ bầu trời, vùng biển, hải đảo, biên giới, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân; giúp đồng bào bị thiên tai lũ, lụt, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống đại dịch Covid-19; đến với các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cùng với đồng bào xóa đói giảm nghèo, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” và danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân tin tưởng, yêu mến dành tặng.

Hiện nay, mặc dù ta đang sống trong thời bình, nhưng các mối đe dọa đến Độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN vẫn luôn hiện hữu; các thế lực thù địch với nhiều âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn, các vấn đề an ninh phi truyền thống đã và đang đang diễn ra hết sức phức tạp. Do vậy, Bảo vệ Tổ quốc vẫn được Đảng ta xác định là một trong 2 nhiệm vụ chiến lược trọng yếu của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ thiêng liêng, cao mọi của mọi người dân Việt Nam, nhất là các thế hệ thanh niên hôm nay.

 II. Trở thành Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là cơ hội để được cống hiến cho quê hương, Đất nước:

Học tập, phấn đấu để trở thành người sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là hướng đi đúng đắn để mỗi thanh niên tiếp tục thực hiện mục tiêu, là lý tưởng thiêng liêng, cao cả mà các thế hệ ông chi đi trước đã dày công vun đắp; là niềm vinh dự, tự hào của bản thân và gia đình, là điều kiện hết sức thuận lợi để mỗi thanh niên cống hiến tài năng, trí tuệ, bản lĩnh và sức trẻ để các em góp phần công sức của mình vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc, để xây dựng non sông, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

III. Trở thành Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là một nghề được xã hội và nhân dân hết sức ghi nhận và tương đối ưu việt:

1. Thuận lợi (ưu việt)

* Mọi chi phí đào tạo và bảo đảm sinh hoạt cá nhân được Quân đội đảm bảo

Nếu đi học đại học ngoài mỗi năm sinh viên phải chi phí ít nhất cũng gần 100triệu/1 năm bao gồm học phí, đi lại, thuê nơi ở, chi phí ăn, mặc, học thêm, bồi dưỡng những chứng chỉ và tất cả các vấn đề khác hầu như đều liên quan đến tiền, sẽ là áp lực rất lớn đối với nhiều gia đình và thanh niên. Do vậy nhiều bạn đã phải gác ước mơ của mình.

Còn nếu trúng tuyển Đại học quân sự mọi chi phí đều được nhà nước bao cấp hầu như 100%: Bao gồm học phí, trang phục (áo quần, giày dép, chăn màn, mũ) ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại.

Ngoài ra hàng tháng mỗi học viên còn được nhận phụ cấp cho những chi phí sinh hoạt như: 3 tháng đầu dự khóa được phong quân hàm Binh nhì: 596.000đ; (sau 6 tháng được phong quân hàm hạ sỹ hoặc trung sỹ, sau đó quân hàm cứ lên mỗi năm cứ lên bậc: Hạ sỹ = 745.000đ; hoặc trung sỹ = 894.000đ; thượng sỹ  = 1.034.000đ

* Ra trường có việc làm ngay

 Đây là điểm thuận lợi nhất, các học viện nhà trường trong Quân đội đều đào tạo theo chỉ tiêu đặt hàng của Quân đội do vậy  ra trường sẽ được bố trí làm việc theo đúng cương vị, chức trách theo mục tiêu đào tạo.

 Trong khi nhiều sinh viên học bên ngoài ra trường cầm tấm bằng đại học thậm chí học lên thạc sỹ cũng không xin được việc làm, hoặc không tìm được nghề nghiệp phù hợp với chuyên ngành dẫn đến thu nhập thấp, do vậy phải đổi nghề hoặc đi làm công nhân hoặc thất nghiệp.

* Thu nhập ổn định tối thiểu trên mức trung bình của xã hội.

Sỹ quan mới ra trường của sỹ quan Binh chủng hợp thành (đây là hệ sỹ quan có thu nhập trung bình chung của Quân đội): quân hàm thiếu úy mức lương hiện nay khoảng 8.122.000đ; trung úy 8.867.000đ.

Sau đó nếu phấn đấu tốt, cứ theo niên hạn cấp úy từ 2 năm, 3 năm; cấp tá 4 năm sẽ được thăng quân hàm và hưởng mức lương theo quy định quân hàm.

Nếu mức lương theo cải cách tiền lương mới: nếu các đồng chí ra trường trong năm 2026 sẽ được hưởng thì gần gấp đôi như hiện nay: mới ra trường thiếu úy khoảng trên 14.000.000đ.

Có thể khẳng định rằng: Đây là mức thu nhập tương đối ổn định, có thể đảm bảo cho cuộc sống bản thân và gia định sau này.

* Có địa vị xã hội nhất định, được mọi người tôn trọng...

2. Khó khăn khi tuyển sinh quân sự và xác định Quân đội là một nghề:

- Tiêu chí sức khỏe, tiêu chí học lực, lý lịch bản thân và gia đình đầu vào tương đối cao so với các ngành bên ngoài.

- Môi trường rèn luyện tương đối vất vả với các ngành, nghề bên ngoài ngoài.

- Tính tổ chức, tính kỷ luật cao.

- Khi ra trường phải thực hiện sự theo sự điều động của tổ chức, của Quân đội đến các đơn vị công tác.

IV. Thừa Thiên Huế vùng đất hiếu học, truyền thống yêu nước, có nhiều tướng lĩnh tài năng trong Quân đội, và hiện nay đang rất cần cán bộ để xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh.

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc là vùng đất kinh kỳ, có truyền thống văn hiến lâu đời, hiếu học, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vùng đất Thừa Thiên Huế, các thế hệ thanh niên đã phát huy truyền thống “Tiến công, nổi dậy, anh dũng kiên cường” lớp lớp cha anh đã lên đường góp phần cùng với quân và dân cả nước chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã phấn đấu trở thành những sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và trong số đó cũng đã có nhiều người con ưu tú trở thành tướng lĩnh tài ba, lỗi lạc giữ những cương vị trọng trách của Quân đội và thậm chí trong Đảng, Nhà Nước, được nhân dân ghi nhận như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quê ở (Quảng Điền), Đại tướng Lê Đức Anh quê ở (Phú lộc) và nhiều tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp khác ....

Thừa Thiên huế đang là trung tâm giáo dục và đào tạo của cả nước, và chúng ta đang phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục đào tạo của khu vực và châu Á trong tương lai;  Hiện nay chất lượng dạy và học của nhiều trường THPT tương đối cao, trong đó có Trường THPT... hàng năm tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học bên ngoài rất cao. Do vậy có thể khẳng định con em của Hương Thủy rất giỏi, các em chính là người chủ, là nguồn lực để xây dựng đất nước, xây dựng quê hương Hương Thủy Anh hùng.

Tuy nhiên nếu so sánh về tỷ lệ học sinh trúng tuyển các học viện nhà trường trong Quân đội những năm vừa qua so với các tỉnh trong cả nước rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của Địa bàn. Một số dẫn chứng chứng minh đó là: so với địa bàn 6 tỉnh miền trung thuộc Quân khu 4, năm 2021 chúng ta có tỷ lệ đậu tuyển sinh quân sự thấp nhất: Nghệ an: 405 em, thanh Hóa: 334 em, Hà Tĩnh 268 em, Quảng trị 152 em, Quảng Bình 93 em, Huế 71 em. Trong khi Quảng trị dân số chỉ bằng một nữa Huế, Quản Bình cũng chỉ 2/3 Huế... Đây là vấn đề mà chúng tôi cảm thấy chạnh lòng, và đặt ra câu hỏi vì sao con em mình giỏi thế, đông thế thế sao lại để các địa phương khác vượt mặt. Phải chăng các em chưa có định hướng thông tin đầy đủ về nghề nghiệp.

Năm 2021 vẫn được đánh giá số học sinh trúng tuyển vào các trường Quân đội của tỉnh nhà nhiều hơn năm 2021 tuy nhiên vẫn ít, toàn tỉnh có 73 em đậu sau khi nhập học 02 bị loại trả còn 71 em; Hương Thủy có 16 em (Phú bài = 6, Thủy Phương = 6, Thủy Châu = 2, Thủy Thanh = 1, Thủy Phù =1, còn lại là = 0)

Đối với LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, lực lượng Quân sự nói riêng có một điểm hết sức thuận lợi cho các em yên tâm phấp đấu và thi vào các trường quân đội đó là: Hiện nay tỷ lệ cán bộ quân đội có quê ở Thừa Thiên Huế còn ít, thậm chí nhiều ngành còn thiếu rất nhiều, Bộ Quốc phòng và Quân khu phải tăng cường cán bộ từ các địa phương khác đến.

Chính vì vậy nếu các em đậu và các trường Quân đội là điều kiện để các em sau khi ra trường trở về và cống hiến cho quê hương rất cao, đồng thời đây cũng là điều kiện thuận lợi để các em thể hiện năng lực của mình và phát triển rất thuận lợi. Chúng tôi là những người đi trước sẽ có trách nhiệm để bồi dưỡng các em phát triển. Từ đó tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, góp phần xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế và địa bàn thị xã Hương Thủy trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm tới. Và đó cũng chính là lý do mà chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay để thông tin thêm một số vấn đề để các em nắm, hiểu và tham gia đăng ký tuyển sinh vào các học viện, nhà trường trường Quân đội trong năm 2022.

V. Các Học viện, nhà trường Trong Quân đội hiện nay (tuyển sinh đầu vào từ học sinh).

Vậy các em có những hành trang gì và lựa chọn nào cho phù hợp với sở trường, sở thích, sự đam mê và khả năng học lực, sức khỏe của từng em.

Năm 2022 chúng tôi xin giới thiệu tổng thể một số nét về 17 học viện, nhà trường trong Quân đội tuyển sinh quân sự từ nguồn xét tuyển học sinh tốt nghiệp phổ thông hiện nay: (Với tổng cộng 5.362 chỉ tiêu tuyển sinh) cụ thể:

1. Học viện Kỹ thuật Quân sự (Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn):

Trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam chuyên đào tạo kỹ sư quân sự, cán bộ quản lý kỹ thuật và sĩ quan chỉ huy kỹ thuật cấp chiến thuật - chiến dịch. Thành lập năm 1966.

Trụ sở: Số 236 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Năm 2022: tuyển sinh 512 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (Nam 24,45 điểm; Nữ 29,23 điểm)

2. Học viện Quân y:

Trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, là một trường đại học đào tạo bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ y khoa và y sĩ, là trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam. Thành lập năm 1949.

Trụ sở: đường Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội

Năm 2022: tuyển sinh 322 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (Nam 25,55 điểm; Nữ 27,90 điểm)

3. Học viện Hậu cần:

Trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, đào tạo sĩ quan hậu cần cấp chiến thuật phân đội và cấp chiến thuật- chiến dịch. Thành lập năm 1982 trên cơ sở trường sĩ quan Hậu cần (thành lập năm 1951).

Trụ sở: phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.

Năm 2022: tuyển sinh 255 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (23,35 điểm;)

4. Học viện Hải quân :

Trực thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam, đào tạo sĩ quan chiến thuật, kỹ thuật hải quân cấp phân đội và sĩ quan chiến thuật- chiến dịch hải quân.

Trụ sở: 30, đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 2022: tuyển sinh 195 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (24,55 điểm;)

5. Học viện Phòng không - Không quân

 Trực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam, thành lập năm 1964: đào tạo sĩ quan chiến thuật phòng không-không quân cấp phân đội; kỹ sư hàng không và sĩ quan chiến thuật - chiến dịch...

Trụ sở: xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội;

Năm 2022: tuyển sinh 265 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (A00, A01 24,80 điểm;)

6. Học viện Biên phòng:

Trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, đào tạo sĩ quan biên phòng, đào tạo sĩ quan Biên phòng trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học các chuyên ngành: Quản lý Biên giớiTrinh sát Biên phòngQuản lý cửa khẩu.

Trụ sở: phường Sơn Lộc, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Năm 2022: tuyển sinh 322 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam Qtri –Huế (A01 = 24,15 điểm; C00 27,25 điểm)

7. Học viện Khoa học Quân sự:

Trực thuộc Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng Việt Nam, đào tạo sĩ quan ngoại ngữ, ngoại giao (tùy viên quốc phòng), tình báo, trinh sát kỹ thuật.

Học viện được thành lập năm 1998 trên cơ sở 2 trường chính:

Đại học Ngoại ngữ quân sự (Thành lập năm 1982)

Trường Sĩ quan Trinh sát - Quân báo (Thành lập ngày 10/6/1989)

Trụ sở: Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội.

Năm 2022: tuyển sinh 110 chỉ tiêu

Điểm trúng tuyển trung bình các ngành từ 24 đến 27 điểm

8. Trường Đại học Chính trị (Trường Sĩ quan Chính Trị):

 Trực thuộc Bộ Quốc phòng, Là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; cung cấp đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn, trong Quân đội.

Trụ sở: Hòa Lạc, Hà Nội.

Năm 2022: tuyển sinh: 721 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (A01 = 23.00điểm; C00= 27,00điểm; D01 =23,10 điểm)

9. Đại học Trần Quốc Tuấn (Trường Sĩ quan Lục quân 1):

Trực thuộc Bộ Quốc phòng, được thành lập năm 1945, là trường đại học quân sự chuyên đào tạo sĩ quan chiến thuật lục quân cấp phân đội cho các quân khu, quân đoàn phía bắc Việt Nam.

Đào tạo sĩ quan Lục quân chiến thuật cấp phân đội (trung đội, đại đội, tiểu đoàn) trình độ cử nhân khoa học quân sự (đại học và cao đẳng) các chuyên ngành: Bộ binh-Binh chủng hợp thành, Bộ binh cơ giới, Trinh sát cơ giới, Trinh sát đặc nghiệm, Trinh sát bộ đội.

Trụ sở chính: xã Cổ Đông, thị xã Sơn TâyHà Nội.

Năm 2022: tuyển sinh: 513 chỉ tiêu  Không tuyển miền Nam

10. Đại học Nguyễn Huệ (Trường Sĩ quan Lục quân 2),

Trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, được thành lập năm 1961, là trường đại học quân sự chuyên đào tạo sĩ quan chiến thuật lục quân cấp phân đội cho các quân khu quân đoàn phía nam Việt Nam.

Trụ sở: xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Năm 2022: tuyển sinh: 361 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (A00, A01 = 20,65 điểm;)

11. Trường Sĩ quan Không quân:

Trực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam, thành lập năm 1958, chuyên đào tạo phi công và kỹ thuật viên hàng không trình độ đại học, cao đẳng.

Trụ sở: Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 2022: tuyển sinh: 190 chỉ tiêu

12. Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp:

 Trực thuộc binh chủng Tăng-Thiết giáp, thành lập ngày ngày 10 tháng 4 năm 1973: đào tạo sĩ quan chỉ huy chiến thuật tăng và thiết giáp cấp phân đội

Trụ sở: đường Vĩnh Yên - Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2022: tuyển sinh: 142 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (23,65 điểm;)

13. Trường Đại học Thông tin Liên lạc (Trường Sĩ quan Thông tin):

Trực thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc, Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập năm 1951: đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng quân sự các chuyên ngành: Vô tuyển Điện; Hữu tuyến điện; Viba; Tác chiến điện tử; Tác chiến mạng.

Trụ sở: phường Đồng Đế, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 2022: tuyển sinh 308 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (23,30 điểm;)

14. Trường Sĩ quan Đặc công:

Trực thuộc Binh chủng Đặc công, thành lập ngày ngày 20 tháng 7 năm 1967: đào tạo sĩ quan chiến thuật đặc công cấp phân đội các chuyên ngành: Đặc công bộ; Đặc công nước; Đặc công biệt động.

Trụ sở: Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương MỹHà Nội.

Năm 2022: tuyển sinh 60 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (24,30 điểm;)

15. Trường Đại học Ngô Quyền (Trường Sĩ quan Công binh):

Trực thuộc Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập năm 1955, đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật công binh cấp phân đội các chuyên ngành: Công trình; Cầu đường; Vượt sông; Xe máy.

Trụ sở chính: TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Năm 2022: tuyển sinh 252 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (23,95 điểm;)

16. Trường Sĩ quan Phòng hóa:

Trực thuộc Binh chủng Hóa học, thành lập năm 1976, đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học trình độ đại học quân sự và trung học chuyên nghiệp, các chuyên ngành: Khai thác sửa chữa khí tài Phòng hoá; Phân tích chất độc quân sự.

Trụ sở: xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Năm 2022: tuyển sinh 42 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (23,60 điểm;)

17. Trường Sĩ quan Pháo binh:

Trực thuộc Binh chủng Pháo binh, thành lập năm 1957, đào tạo sĩ quan chiến thuật pháo binh cấp phân đội; Đào tạo chuyển loại cán bộ chính trị pháo binh; Đào tạo cán bộ tên lửa mặt đất và tên lửa chống tăng.

Trụ sở: xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Năm 2022: tuyển sinh 252 chỉ tiêu

Điểm chuẩn thi tốt nghiệp PTTH; miền Nam (24,60 điểm;)

Đối với Nữ:

Do đặc thù huấn luyện, đào tạo vất vả, và nhu cầu công tác tại các đơn vị sau khi ra trường ít, do vậy các trường khối Quân đội  (học viện, Nhà trường quân đội) thường hạn chế các chỉ tiêu nữ hơn nhiều so với trường dân sự.

Hiện nay chỉ có 03 trường tuyển sinh nữ gồm: (Học viên Quân y, Học viện Khoa học quân sự chỉ tiêu không quá 10%;  Học viên Kỹ thuật Quân sự không quá 6%).

 

VI. Các tổ hợp xét tuyển của các trường như sau:

  1. Tổ hợp môn xét tuyển”:

Thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ hợp xét tuyển gồm: Tổ hợp xét tuyển A00 (các môn: Toán, Lý, Hoá);

Tổ hợp xét tuyển A01 (các môn: Toán, Lý, tiếng Anh);

Tổ hợp xét tuyển B00 (các môn: Toán, Hóa, Sinh);

Tổ hợp xét tuyển C00 (các môn: Văn, Sử, Địa);

Tổ hợp xét tuyển D01 (các môn: Toán, Văn, tiếng Anh); 

Tổ hợp xét tuyển D02 (các môn: Toán, Văn, tiếng Nga);

Tổ hợp xét tuyển D03 (các môn: Toán, Văn, tiếng Pháp);

Tổ hợp xét tuyển D04 (các môn: Toán, Văn, tiếng Trung Quốc).

a) Học viện Quân y: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển B00 và A00;

b) Học viện Biên phòng: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển C00 và A01;

c) Học viện Khoa học quân sự: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển D01, D02, D04 và A00, A01 (theo từng ngành tuyển sinh);

d) Trường Sĩ quan Chính trị: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển C00, A00 và D01;

đ) Các học viện: Kỹ thuật quân sự, Hậu cần, Phòng không - Không quân, Hải quân và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Thông tin, Công binh, Đặc công, Kỹ thuật quân sự (Vin - Hem Pich), Tăng - Thiết giáp, Không quân, Pháo binh, Phòng hóa: Tuyển sinh theo tổ hợp xét tuyển A00 và A01;

         2. Quy định xét tuyển

Căn cứ vào tổng điểm thi của thí sinh: Gồm tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai chữ số thập phân (các trường có quy định bài thi/môn thi chính, bài thi/môn thi chính nhân hệ số 2 và quy đổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo); các trường xét tuyển theo đúng ngành đăng ký của thí sinh; thực hiện xét tuyển từ thí sinh có tổng điểm thi cao nhất trở xuống đến đủ chỉ tiêu.

Trường hợp xét tuyển đến một mức điểm nhất định vẫn còn chỉ tiêu, nhưng số thí sinh cùng bằng điểm cao hơn số lượng chỉ tiêu còn lại, thực hiện xét tuyển theo các tiêu chí phụ như sau:

a) Tiêu chí 1:

- Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Văn, Sử, Địa thì thí sinh có điểm thi môn Văn cao hơn sẽ trúng tuyển;

- Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, tiếng Anh (trừ trường Sĩ quan Phòng hóa) thì thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển;

- Một số trường áp dụng tiêu chí phụ riêng, thực hiện như sau:

+ Học viện Khoa học quân sự: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ (môn Ngoại ngữ là môn thi chính nhân hệ số 2) thì thí sinh có điểm môn Ngoại ngữ cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Học viện Quân y: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Hóa, Sinh thì thí sinh có điểm thi môn Sinh học cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Chính trị: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, tiếng Anh thì thí sinh có điểm môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Phòng hóa: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Lý, Hóa thì thí sinh có điểm thi môn Hóa cao hơn sẽ trúng tuyển; xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Lý, tiếng Anh thì thí sinh có điểm thi môn tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển.

b) Tiêu chí 2:

Sau khi xét tiêu chí 1, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng bằng điểm, cùng có tiêu chí 1 như nhau thì xét đến tiêu chí 2, như sau:

- Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Văn, Sử, Địa thì thí sinh có điểm thi môn Sử cao hơn sẽ trúng tuyển;

- Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, tiếng Anh (trừ trường Sĩ quan Phòng hóa) thì thí sinh có điểm thi môn Lý cao hơn sẽ trúng tuyển;

- Một số trường áp dụng tiêu chí phụ riêng, thực hiện như sau:

+ Học viện Khoa học quân sự: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ thì thí sinh có điểm môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Học viện Quân y: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Hóa, Sinh thì thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Chính trị: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, tiếng Anh thì thí sinh có điểm môn Văn cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Phòng hóa: Thí sinh có điểm thi môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển (cả 2 tổ hợp A00 và A01).

c) Tiêu chí 3:

Sau khi xét tiêu chí 2, trường vẫn còn chỉ tiêu, nhưng có nhiều thí sinh cùng bằng điểm, cùng có tiêu chí 1 và tiêu chí 2 như nhau thì xét đến tiêu chí 3, như sau:

- Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Văn, Sử, Địa thì thí sinh có điểm thi môn Địa cao hơn sẽ trúng tuyển;

- Đối với trường có tổ hợp các môn xét tuyển: Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, tiếng Anh (trừ trường Sĩ quan Phòng hóa) thì thí sinh có điểm thi môn Hóa hoặc môn tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển;

- Một số trường áp dụng tiêu chí phụ riêng, thực hiện như sau:

+ Học viện Khoa học quân sự: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ thì thí sinh có điểm môn Văn cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Học viện Quân y: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Hóa, Sinh thì thí sinh có điểm thi môn Hóa cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Chính trị: Xét tuyển theo tổ hợp các môn thi: Toán, Văn, tiếng Anh thì thí sinh có điểm môn tiếng Anh cao hơn sẽ trúng tuyển;

+ Trường Sĩ quan Phòng hóa: Thí sinh có điểm thi môn Lý cao hơn sẽ trúng tuyển (cả 2 tổ hợp A00 và A01).

 

VII. Tiêu chí để được tuyển sinh quân sự:

 1. Tiêu chuẩn Văn hóa 

Tốt nghiệp 12, dự thi xét tuyển kỳ thi THPTQG hàng năm.

2. Độ tuổi dự thi quân đội

Thanh niên: 17-21 tuổi

Quân nhân (Quân đội + Công an đã xuất ngủ): 18-23 tuổi

3. Sức khỏe thi quân đội

Tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của liên Bộ Y tế – Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP), theo các chỉ tiêu: Thể lực (trừ chiều cao, cân nặng có quy định riêng); mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng); tai-mũi-họng; răng-hàm-mặt; nội khoa; tâm thần kinh; ngoại khoa; da liễu và sản phụ khoa đối với nữ (nếu có). Ngoài ra 1 số trường có quy định riêng như:

* Các trường đào tạo sỹ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần gồm: Học viện Hậu cần, PH-KQ, Hải Quân, Biên Phòng, và các trường Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng TG, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa.

Chiều cao 1m65, cân nặng trên 50kg

* Đối với một số trường chuyên môn, kỹ thuật như: Kỹ thuật, Quân y, Khoa học quân sự và hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc học viện Phòng không không quân.

Chiều cao từ 1m63 trở lên, cân nặng từ 50kg trở lên.

Về mắt: Cận thị không quá 1,5 đi-ốp

* Đối với sỹ quan Không quân (có tiêu chí tuyển chọn riêng về sức khỏe).

Chỉ tiêu xét tuyển nữ quân đội hàng năm

Tiêu chuẩn về sức khỏe: thí sinh nữ phải cao từ 1,54 m, cân nặng từ 48 kg. Mắt mắc tật khúc xạ cận thị không quá 1,5 đi-ốp. Các thí sinh ở khu vực khó khăn, người dân tộc thiểu số theo quy định sẽ được hạ một chút tiêu chuẩn về chiều cao.

4. Tự nguyện

a) Thí sinh tự nguyện đăng ký dự thi vào các trường quân đội;

b) Khi trúng tuyển chấp hành sự phân công ngành học và chịu sự phân công công tác của Bộ Quốc phòng khi tốt nghiệp.

5. Tiêu chuẩn Chính trị, đạo đức

a) Lý lịch chính trị gia đình và bản thân rõ ràng, đủ điều kiện để có thể kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

b) Phẩm chất đạo đức tốt, là Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

c. Hồ sơ tuyển sinh:

- 03 phiếu đăng ký sơ tuyển theo mẫu

- 01 bản sao giấy khai sinh

- 01 bản sao bằng tốt nghiệp THPT

- 01 phiếu khám sức khỏe.

- 01 bản thẩm tra, xác minh lý lịch.

- 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên đối với đối tượng được hưởng ưu tiên.

- 04 ảnh 4x6cm

VIII. Thời gian sơ tuyển và nơi đăng ký và tư vấn tuyển sinh quân sự:

1.Thời gian sơ tuyển hàng năm:

Thời gian sơ tuyển hằng năm từ 01 tháng 3 đến  05 tháng 5 hằng năm.

Việc tổ chức khám sức khỏe sơ tuyển khi Tuyển sinh quân đội hàng năm cho thí sinh đăng ký tại Ban CHQS thị xã.

Sau khi khám sức khỏe, trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển (25/4), nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho những em này.

Về đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT để dùng kết quả thi xét tuyển vào các học viện, trường trong quân đội, thí sinh mua hồ sơ và đăng ký theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Nơi tư vấn và đăng ký tuyển sinh: Ban CHQS thị xã có nhiệm vụ

- Bán hồ sơ, tư vấn và Đăng ký sơ tuyển

- Tiếp nhận hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ (sơ tuyển) các chỉ tiêu bằng mắt.

- Tổ chức khám tuyển

- Xác minh chính trị

- Thẩm tra, xác minh lý lịch.

- Lập hồ sơ dự tuyển theo quy định.

Lưu ý: Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1(nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong Quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển, nếu trường có nhiều ngành đạo tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển một ngành), các thi sinh đăng ký các trường ngoài quân đội.

Các trường Quân đội chỉ xét tuyển đối với thi sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất). Thí sinh đã tham gia sơ tuyển trường Công an thì không tham gia đăng ký sơ tuyển trường Quân đội.

Một mùa tuyển sinh nữa lại đến, chúng tôi mong rằng các em sẽ tìm hiểu kỹ và có sự lựa chọn cho mình một hành trang, một cách cửa phù hợp cho tương lai của mình, việc tìm một cánh cửa phù hợp với điều kiện, sở thích và khả năng của bản thân, gia đình là hết sức quan trọng, trong đó các Học viện nhà trường trong Quân đội cũng là môi trường và sự lựa chọn lý tưởng, rất mong và hy vọng rằng trong số các em ngồi đây sẽ có nhiều em sẽ trở thành Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong tương lai.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.078.063
Truy câp hiện tại 174