Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018
Ngày cập nhật 02/02/2018

Chiều 2/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018.

 
 
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành để làm rõ những vấn đề được dư luận và báo chí quan tâm trong thời gian qua.
 
Chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực
 
Mở đầu buổi họp báo, thay mặt các đồng chí lãnh đạo các Bộ tham dự Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng gửi lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe và chúc mừng năm mới đến các nhà báo và các quý vị đại biểu.
 
Bộ trưởng cho biết, hôm nay (ngày 2/2), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018. Đây cũng là phiên họp Chính phủ đầu tiên của năm mới 2018, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP với phương châm xuyên suốt là: “Kỷ cương- Liêm chính- Hành động- Sáng tạo- Hiệu quả”. Bộ trưởng nhấn mạnh một số điểm sau:
 
Trước hết, về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã đi qua tháng đầu tiên của năm 2018. Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, nhìn chung, trong tháng 1, các bộ ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ theo đúng tinh thần vào cuộc ngay từ ngày đầu, tháng đầu. Nhờ đó và tiếp đà thành công của năm 2017, tình hình KT-XH nước ta tháng 1/2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
 
Trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, chúng ta liên tiếp đón nhận nhiều tin vui trên nhiều lĩnh vực từ kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 cho tới kết quả thi đấu của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Có thể nói, ngay tháng đầu năm, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam vừa làm nên kỳ tích giành ngôi Á quân Châu Á cho thấy sự tuân thủ trong chỉ đạo, tính kỷ luật cao, niềm tin, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết đã mang lại thành công của U23 Việt Nam. Với niềm cảm hứng dâng trào, cùng với sự đoàn kết, sự nỗ lực phi thường, ý chí quyết tâm, với sự sáng tạo và niềm tin của toàn dân tộc ta, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng tin tưởng, không chỉ bóng đá, đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra nhiều kỳ tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
 
Mở đầu năm mới tốt hơn cùng kỳ năm 2017
 
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018, có thể nói rằng chúng ta đã mở đầu một năm mới tốt hơn cùng kỳ năm 2017; ấn tượng mạnh mẽ hơn về việc một số chỉ tiêu đạt tốc độ tăng cao.
 
Trong tháng 1/2018, Chỉ số quản trị nhà mua hàng tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Trong khi bình quân của ASEAN chỉ 50,2 điểm.
 
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 0,7%, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng Một như năm 2017 và là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng của ngành và tăng với mức cao nhất 23,8% (cùng kỳ 2017 tăng 4,7%). 
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn cũng bật tăng mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15% (cùng kỳ tăng 3,8%); Hà Nội tăng 14,7% (cùng kỳ tăng 4,3%); Bắc Ninh tăng 47,2% (cùng kỳ giảm 6,1%); Thái Nguyên tăng 15,8% (cùng kỳ tăng 13,6%); Hải Phòng tăng 31,3% (cùng kỳ tăng 12%); Quảng Ninh tăng 29% (cùng kỳ giảm 3,6%); Quảng Nam tăng 26,3% (cùng kỳ tăng 1,4%);…
 
Sản xuất nông nghiệp nhìn chung ổn định, diện tích rừng trồng tập trung tăng 3,5% (cùng kỳ giảm 1,3%), sản lượng thủy sản tăng 4,1% (cùng kỳ tăng 0,8%).
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, thì tăng 8,38% (cùng kỳ tăng 6,7%). Khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt (cùng kỳ trên 1 triệu), tăng 42% (cùng kỳ tăng 23,6%).
 
Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên gần 15,4 nghìn doanh nghiệp (cùng kỳ có 14,6 nghìn DN). Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tăng 13,9%. Vốn FDI thực hiện đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10,5%.
 
Đặc biệt, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD (cùng kỳ đạt 14,6 tỷ USD), tăng mạnh với mức tăng 33,1%, khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6% xấp xỉ mức tăng 33,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Cũng trong tháng 1/2018 vừa qua, công tác chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết được chỉ đạo sớm và khá đồng bộ. Nhiều địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền.
 
Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Tài chính ban hành chương trình cụ thể với 221 nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ hay Bộ LĐTB&XH đã nghiên cứu chương trình đào tạo nhân lực 4.0…
 
Không lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được
 
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018 và không lơ là, mất cảnh giác với tình hình chung của thế giới và trong nước.
 
Bộ trưởng cho biết, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần nhấn mạnh cần phải phát huy tinh thần thi đấu của đội tuyển U23 Việt Nam, đó là ý chí kiên cường, quyết tâm cao và tính kỷ luật, tinh thần đồng đội… Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai nghiêm túc, chủ động Nghị quyết 01 của Chính phủ, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện cần tích cực, trách nhiệm hơn nữa, tránh tình trạng như chúng ta thường mắc phải “đầu năm thong thả, cuối năm vội vàng”.
 
Theo đó, tất cả Bộ ngành và các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chủ đề của năm 2018 "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để năm 2018 đất nước sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 01.
 
Chính phủ cần tiếp tục coi xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo để tạo đột phá cho huy động nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần, động lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trên tất cả các ngành, các lĩnh vực ngay từ đầu năm, trước, trong và sau Tết Mậu Tuất.
 
Cùng với đó, các Bộ ngành chức năng chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ để đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới, nhất là động thái của các nước lớn trên thế giới (đặc biệt là Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc), trong khu vực và tình hình thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ mới.
 
Yêu cầu tuyệt đối không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo
 
Về công tác phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ trưởng nhấn mạnh, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 16; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 48 và Công điện số 1882, trong dịp Tết, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện thật tốt các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho những gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ... để người dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm, không ai bị đói và không được ăn Tết. Thị trường hàng hóa Tết cần phải phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng với giả cả ổn định.
 
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không tổ chức đi thăm, chúc Tết lãnh đạo. Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức; nghiêm cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội...
 
Ngay sau Tết, các Bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay những ngày làm việc sau Tết bảo đảm chất lượng và tiến độ; không tổ chức du xuân, liên hoan lãng phí thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến công việc.
 
Quản lý tốt các lễ hội sau Tết, tránh tình trạng lộn xộn, các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội, gây dư luận bất bình.
 
Trong dịp Tết cần đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; an ninh biên giới; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm, nạn đua xe trái phép, đốt pháo, cờ bạc, đánh nhau và tệ nạn xã hội…. Đặc biệt, phải chủ động làm tốt công tác an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, ùn tắc giao thông; bảo đảm phương tiện đi lại thuận tiện để mọi người dân về nhà "sum họp, đón Tết an toàn".
 
Thủ tướng cũng lưu ý, giá tiêu dùng tháng 1/2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong tăng giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế để bảo đảm CPI tăng dưới 4%. Trong tháng Tết càng phải lưu ý vấn đề này. Trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan.
 
Bộ trưởng cho biết, một số nội dung quan trọng khác tại phiên họp là Chính phủ đã thảo luận về thể chế, như sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học; cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018;..
 
Tiếp đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng lãnh đạo các bộ ngành trả lời các câu hỏi của các nhà báo.
 
Xử lý triệt để những vấn đề nổi cộm trong quản lý lễ hội
 
PV Song Đào, Báo điện tử Tổ quốc: Xin hỏi Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ: Thủ tướng đã có chỉ đạo rất quyết liệt công tác tổ chức và quản lý lễ hội, năm nay công tác này triển khai ở Bộ VHTT&DL như thế nào, có những nét mới nào trong việc tổ chức, quản lý một mùa lễ hội văn minh, an toàn?
 
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ: Trước tình hình mùa lễ hội năm 2017 có những vấn đề bức xúc ngay từ đầu năm 2018 Bộ VHTT&DL đã có văn bản chỉ đạo địa phương kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh liên quan đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
 
Ngoài những vấn đề thường xuyên của tổ chức lễ hội như: An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quản lý đổi tiền lẻ không đúng quy định, phối hợp xử lý trật tự an ninh xã hội, an toàn giao thông… Năm nay Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương có những vấn đề nổi cộm trong quản lý, tổ chức lễ hội 2017 phải có giải pháp triệt để xử lý những vấn đề nổi cộm đó.
 
Sáng nay, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội nghị yêu cầu các địa phương trực tiếp báo cáo và đề xuất những giải pháp đặc biệt là phải cam kết xử lý những vấn đề nổi cộm trong quản lý, tổ chức lễ hội của năm 2018.
 
Theo đó chúng tôi yêu cầu Hà Nội, Tuyên Quang, Yên Bái, Nam Định, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ninh, những địa phương có các vấn đề nổi cộm trong năm 2017 phải trực tiếp báo cáo, cam kết với Bộ.
 
Đặc biệt trong năm 2018, Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để kịp thời nắm bắt tình hình quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương và có giải pháp xử lý kịp thời không để phát sinh vấn đề nổi cộm.
 
Đầu năm 2018, để có bước tiến mới trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội Bộ VHTT&DL đã trình Chính phủ ban hành nghị định về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Chúng tôi dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 2/2018.
 
Sẽ thông tin chính thức số tiền thưởng cho Đội tuyển U23
 
PV Quỳnh Hoa, báo Văn Hoá: Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã nêu cao tinh thần của đội tuyển U23 trong thi đấu bóng đá. Ngay sau đó, một số doanh nghiệp đã hứa thưởng tiền cho đội tuyển nhưng đến nay Đội tuyển U23 nhận được chưa nhiều. Điều này dẫn đến việc người dân lo ngại đây là chiêu PR đánh bóng tên tuổi, làm giảm niềm tin trong xã hội. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về việc này?
 
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ: Chúng tôi thấy rằng việc hứa thưởng hoàn toàn là việc tự nguyện và chủ động của các cá nhân và các doanh nghiệp. Việc này tuỳ thuộc vào khả năng kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp.
 
Vì vậy, chúng tôi cho rằng không nên quá sốt ruột mà nên đợi kết quả công bố chính thức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã hứa thưởng.
 
Khi chúng tôi có thông tin chính thức về số tiền thưởng so với tuyên bố thực tế và việc chi trả tiền thưởng thì chúng tôi sẽ có thông báo chính thức.
 
Tiếp tục nhắc các đơn vị đã công bố tiền thưởng
 
Bộ trưởng Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng: Vừa rồi chúng ta có một niềm vui rất lớn, niềm tự hào của bóng đá Việt Nam, khi Thủ tướng dự Hội nghị ở Ấn Độ thì các nguyên thủ các quốc gia đều chúc mừng Việt Nam.
 
Chúng ta đều nhìn thấy đội tuyển U23 khi thi đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, đội tuyển trẻ đã khiến chúng ta rơi nước mắt. Đó là một tinh thần kỉ luật cao, tính đoàn kết cao mới làm được như vậy.
 
Ngày 28/1 vừa rồi, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đưa nhiều mức tiền thưởng, đây là nguồn động viên rất lớn với các cầu thủ trẻ...
 
Tính sơ bộ lúc đó, theo báo cáo của Bộ VHTTDL số tiền thưởng khoảng 26 tỉ, vật chất là khoảng 14 tỉ. Tổng cộng khoảng hơn 40 tỉ đồng. Số tiền đã công bố đã nói là phải làm.
 
Tôi đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục nhắc các đơn vị đã công bố tiền thưởng. Ví dụ như Trường Hải hứa tặng HLV Park Hang-seo một xe ô tô thì phải thực hiện. Nếu làm việc không đúng thời hạn, làm chậm thì phải nhắc. Ngay như các thành viên Chính phủ ai có tâm ủng hộ thì ủng hộ ngay, làm rất đàng hoàng. Bởi đây là niềm tự hào của chúng ta thì chúng ta phải làm có trách nhiệm.  
 
Bao giờ thông xe cầu Vàm Cống?
 
PV Phương Nhung, báo Người Lao động: Về sự cố nứt cầu Vàm Cống, tôi muốn hỏi Bộ GT&VT, Bộ đã xác định được nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của sự cố đối với toàn bộ công trình hay chưa và đến bao giờ có thể thông xe được cầu này?
 
Thứ trưởng Bộ GT&VT Nguyễn Ngọc Đông: Về sự cố cầu Vàm Cống, ngay khi xảy ra sự cố chúng tôi đã có ngay thông báo của Bộ GT&VT. Đây là dự án chúng ta vay vốn của Chính phủ Hàn Quốc, được triển khai thực hiện theo đúng tiến trình, nếu không có sự cố thì có thể đưa vào thông cầu này cùng với cầu Cao Lãnh và toàn tuyến Đồng bằng sông Cửu Long ở những tháng đầu năm 2018.
 
Cách đây 3 tháng đã xảy ra sự cố  đó. Đây là một kết cấu hết sức phức tạp, nhịp cầu rất lớn, sự cố này theo đánh giá chung của Bộ GT&VT cùng các chuyên gia là rất hiếm xảy ra.
 
Ngay sau đó, chúng tôi đã có chỉ đạo tất cả các cơ quan của Bộ GT&VT, huy động với các chuyên gia trong nước và đặc biệt làm việc với các nhà tài trợ, các chuyên gia của nước ngoài, của Hàn Quốc và đã có những đánh giá, có cả những đánh giá độc lập từ phía Việt Nam.
 
Tất cả quá trình đều đang diễn ra, đang khoanh lại đúng những nội dung cần phải rà soát, đánh giá. Hiện tại cũng chưa xác định được nguyên nhân cuối cùng. Khi có nguyên nhân cuối cùng chúng tôi sẽ có thông báo đầy đủ tới công luận và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả.
 
Về thời gian, hiện tại chưa xác định được thời gian thông cầu. Vì đây là nhịp cầu rất lớn và kết cấu rất phức tạp, không chỉ mỗi phía Việt Nam đánh giá mà cả các chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá đây là sự cố hy hữu xảy ra. Chính vì vậy, nếu có thông tin về thời gian thông cầu, chúng tôi sẽ có thông báo.
 
Đã tiến hành điều tra, khởi tố vụ án tham nhũng đất đai tại Đông Anh
 
PV báo Bảo vệ pháp luật: Có 2 vụ việc tham nhũng báo của chúng tôi đã nêu liên quan đến tham nhũng ở Đại học Ngoại thương và vụ tham nhũng đất đai ở Đông Anh- Hà Nội, mỗi vụ có 10 bài báo đã đăng.
Thủ tướng đã uỷ quyền cho Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình ký văn bản 4 lần chỉ đạo TP. Hà Nội xử lý báo cáo liên quan đến vụ tham nhũng đất đai ở Đông Anh và 2 lần giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra vụ việc liên quan đến tham nhũng ở Đại học Ngoại thương. Sau khi kiểm tra phải báo cáo kết quả với Thủ tướng, nhưng đến nay chưa có kết quả. Vậy theo Bộ trưởng, tới đây sẽ tham mưu thế nào tới Thủ tướng, để xử lý dứt điểm vụ việc, quy trách nhiệm người đứng đầu, không để xảy ra bao che xử lý sai phạm theo đúng tinh thần Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác. phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…?
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Về vụ tham nhũng ở Đông Anh, Thủ tướng đã giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật.
 
Đến nay Công an TP. Hà Nội đã tiến hành điều tra, khởi tố vụ án, đang thực hiện công tác điều tra, kết quả thế nào thì sau này sẽ thông báo với các cơ quan báo chí.
 
Với vụ Đại học Ngoại thương, vụ việc này kéo dài 2 năm rồi. Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc, Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc thanh tra theo đơn tố cáo, liên quan đến công tác quản lý tài chính của Đại học Ngoại thương.
 
Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng đã chủ trì các cơ quan liên quan, lãnh đạo TP. Hà Nội, Phó Thủ tướng  đã kết luận giao cho Thanh tra Chính phủ (TTCP) rà soát tổng thể lại các nội dung tố cáo, trong đó xác định những nội dung nào có kết luận đúng theo quy định pháp luật thì thông báo cho người tố cáo biết, nội dung nào giải quyết chưa đúng hoặc nội dung nào người tố cáo nêu lên chưa giải quyết thì yêu cầu TTCP chủ trì xác minh giải quyết, kết luận và báo cáo Thủ tướng trước 1/5/2018. Như vậy, nội dung liên quan tố cáo tại Đại học Ngoại thương đã được Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ đạo rất rõ.
 
Cưỡng chế thuế đối với Công ty Uber thế nào?
 
PV Hiếu Công, Báo điện tử Tri thức trực tuyến: Hiện nay, Cục thuế TPHCM gặp lúng túng trong cưỡng chế thuế đối với Công ty Uber. Vậy Bộ Tài chính có phương án hướng dẫn như thế nào đối với vấn đề này?
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai: Hiện nay số tiền thuế truy thu đối với Công ty Uber Hà Lan là 66 tỷ đồng nhưng đến ngày 31/12/2017, doanh nghiệp này đã thực hiện nộp thuế với số tiền hơn 13 tỷ đồng.
 
Sau đó Cục Thuế TPHCM đã có quyết định gửi các ngân hàng tại Việt Nam đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền khách hàng có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chuyển vào tài khoản của Công ty Uber để thực hiện cưỡng chế thuế.
 
Tuy nhiên, Công ty Uber không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Tổng cục Thuế đang rà soát lại và có hướng dẫn về cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, chắc chắn cho Cục Thuế TPHCM để thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi có thông tin tiếp theo chúng tôi sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí. 
 
Số lượng dùng xăng E5 tăng rất nhanh
 
Gần đây một số ý kiến lo ngại chất lượng xăng E5 sau khi bán đại trà. Vậy Bộ Công Thương có giải pháp nào để nâng chất lượng xăng E5 trong thời gian tới?
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với sự lo ngại của người dân nhưng xăng E5 đã được sử dụng ở các nước phát triển từ rất lâu.
 
Còn ở Việt Nam theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1/1/2018 đã bán đại trà xăng E5 trên toàn quốc, trước đó chúng ta đã thực hiện thí điểm ở 7 tỉnh rồi tăng dần lên và hiện nay là trên toàn quốc.
 
Có e ngại về chất lượng xăng E5, hiện nay chúng ta xác định được người dân còn băn khoăn là tất nhiên và chúng ta cần phải làm tốt hơn việc giải tỏa nghi ngại, lo lắng của người dân.
 
Trước hết là tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, nhiều cơ quan khác hiểu được xăng E5 phù hợp với các phương tiện giao thông chúng ta đang sử dụng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường bảo đảm chất lượng xăng E5 đúng tiêu chuẩn, không có gian lận thương mại, không bảo đảm chất lượng.
 
Hiện nay chúng tôi tổ chức rất nhiều tọa đàm, hội thảo, hội nghị mời các nhà khoa học, chuyên gia phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để chuyển tải tới người dân, các doanh nghiệp… về chất lượng xăng E5.
 
Đã qua hơn 1 tháng số lượng dùng xăng E5 tăng rất nhanh, nhiều nơi tăng gấp 3 lần, có nơi tỷ lệ người dân mua đến 80%, còn phần lớn là từ 60-65%.
 
Chúng tôi tin tưởng với chất lượng được bảo đảm, người dân nắm được đầy đủ thông tin, quen dần với loại xăng này thì việc sử dụng sẽ đúng theo lộ trình Chính phủ đề ra.
 
Trình Đề án thống kê kinh tế chưa được quan sát trong tháng 2/2018
 
PV Huy Hoàng Trung tâm tin tức VTV24: Mới đây, Tổng Cục thống kê đã trình Đề án tính kinh tế phi chính thức, không biết hiện nay đã trình hay chưa? Giải pháp trọng tâm là gì? Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng nhiều khu vực kinh tế phi chính thức như bà bán trà đá, xe ôm… nhóm ngành được tính thì tính kiểu gì? Có ý kiến cho rằng nếu mà tính thì tăng thêm gánh nặng cho thủ tục hành chính, thuế cho người dân, vậy quan điểm về ý kiến này như thế nào?
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Phải làm rõ thế nào là khu vực kinh tế chưa được quan sát, đây là một khái niệm bao gồm 5 thành tố.
 
Thành tố thứ nhất bao gồm các hoạt động kinh tế ngầm (underground), là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm có chủ ý, nhằm tránh phải nộp thuế (thuế thu nhập, thuế GTGT), tránh đóng bảo hiểm xã hội, tránh thực hiện các quy định của Nhà nước, ví dụ như về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện sức khỏe cho người lao động… tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính cũng như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.
 
Thành tố thứ hai là các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bao gồm các hoạt động kinh tế bị  pháp luật cấm, ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người… các hoạt động kinh tế không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện cũng thuộc vào các hoạt động kinh tế bất hợp pháp.
 
Thành tố thứ 3 là hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, bao gồm hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người thực hiện hoạt động kinh tế đó.
 
Các hoạt động này thường hoạt động quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản, ít có phân định rõ ràng giữa lao động và vốn của cơ sở kinh doanh với hộ gia đình. Mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động dựa trên nền tảng tạm thời, gia đình chứ không dựa trên hợp đồng chính thức.
 
Thành tố thứ 4 là hoạt động kinh tế hộ gia đình, tự sản tự tiêu của hộ gia đình thì bao gồm các hoạt đông sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính những thành viên trong gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất khác phục vụ nhu cầu trong hộ gia đình, các hoạt động xây nhà để ở, tự sửa chữa nhà, tự tích lũy tài sản cố định khác, hoạt động giúp việc cho gia đình.
 
Cần lưu ý một số hoạt động do hộ gia đình tự làm phục vụ cho đời sống hằng ngày không được coi là hoạt động phi kinh tế như nấu cơm, lau nhà, giặt quần áo… Tuy nhiên, nếu như những việc này được thực hiện bằng hình thức thuê người ngoài làm thì được tính là hoạt động kinh tế phi chính thức.
 
Thành tố thứ 5 là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản bao gồm cả các hoạt động kinh tế đáng lý phải thu thập thông tin nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi, hoặc đối tượng điều tra không hợp tác…
 
Cụ thể với mức độ quan sát được hoặc chưa được quan sát của các hoạt động kinh tế của các thành tố nêu trên ở Việt Nam sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trong thời gian tới. Trên cơ sở nghiên cứu ban đầu, Bộ đã xây dựng Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát và hiện đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan về Đề án này. Dự kiến Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Đề án trong tháng 2/2018.
 
Đang tiến hành thanh tra AVG
 
PV Báo Nông nghiệp Việt Nam: Đến lúc nào thì Chính phủ công bố kết luận thanh tra liên quan đến vụ việc ở AVG?
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho Chính phủ, các cơ quan chức năng quyết liệt kết luận điều tra làm rõ để công bố cho dư luận quan tâm.
 
Đây là vụ việc rất khó, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã họp rất nhiều với các cơ quan, đặc biệt giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì vấn đề thanh tra và kết luận báo cáo Chính phủ, để Chính phủ báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và báo cáo Tổng Bí thư.
 
Hiện nay, các công việc đang được tiến hành, tuy nhiên, chậm so với yêu cầu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, và chậm so với yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng.
 
Hiện nay, các bộ, cơ quan tích cực làm rõ vấn đề liên quan đến định giá AVG, liên quan đến trình tự thủ tục, trách nhiệm tập thể, cá nhân và đang xem xét xử lý cho rõ vụ việc.
 
Tóm lại vụ việc đang được tiến hành, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông báo cho các cơ quan báo chí.
 
Sẽ xử lý Vietjet trình diễn phản cảm
 
PV Báo Nông nghiệp Việt Nam: Bộ VHTTDL sẽ xem xét trách nhiệm của ban tổ chức và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Tổng cục Thể dục Thể thao như thế nào liên quan đến việc cho Vietjet sử dụng một dàn người mẫu đi trên máy bay chuyên cơ chở Đội tuyển U23 Việt Nam về.
 
Hiện nay tôi được biết, Bộ đã giao cho Cục Hàng không xử lý nhưng đó là xử lý về góc độ an toàn bay, còn trách nhiệm về vấn đề văn hóa và nghi thức đón tiếp như thế thì trách nhiệm này thuộc về Bộ VHTTDL, trực tiếp là Tổng Cục TDTT, Ban Tổ chức vì nó liên quan đến vấn đề hợp đồng.
 
Vì vậy, tại diễn đàn này, dư luận rất quan tâm, muốn biết Bộ VHTTDL nói rõ vấn đề này để dư luận được thông?
 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy: Về việc trình diễn phản cảm đón tiếp cầu thủ U23 Việt Nam về việc này Người Phát ngôn của Bộ VHTTDL đã cung cấp thông tin chính thức tới các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời,Bộ trưởng đã có gặp trực tiếp với đơn vị sai phạm là Vietjet.
 
Liên quan sai phạm về việc trình diễn trên máy bay chúng tôi đã có đề nghị Tổng cục hàng không xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Với việc trình diễn phản cảm không đúng thuần phong mỹ tục, phản cảm, Bộ VHTTDL chắc chắn sẽ phối hợp tiếp tục xử lý theo đúng quy định pháp luật.
 
Thông qua nghị quyết về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN trong quý 2/2018
 
PV Hoài Thu báo VNExpress: Được biết tại phiên họp này, Bộ KH&ĐT có trình nghị quyết về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, vậy xin hỏi Ủy ban sẽ được thành lập và hoạt động theo mô hình như thế nào, có trùng lặp với mô hình hiện tại SCIC đang quản lý vốn của các doanh nghiệp Nhà nước hay không?
 
Câu hỏi tiếp theo liên quan tới dự  án mỏ muối kali hiện đang được đưa vào là dự  án thua lỗ ngàn tỷ thứ 13 của ngành công thương, được biết Chính phủ đã có phương án trình cấp có thẩm quyền xử lý, không biết cụ thể phương án xử lý dự  án này trong thời gian tới sẽ như thế nào để bảo đảm có thể giải cứu được dự án hoặc không ảnh hưởng đến mối quan hệ với nước bạn Lào?
 
PV Huy Hoàng – VTV24: Xin bổ sung một số ý nhỏ trong câu hỏi liên quan đến vấn đề thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Thứ nhất là lộ trình thành lập Ủy ban hiện nay đã đến đâu rồi? Mô hình hoạt động liệu có sự khác biệt với SCIC hay không? Liệu Ủy ban có cơ chế đặc thù nào trong việc quản lý thoái vốn, cổ phần hóa DNNN hay không?
 
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương: Về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 66 về việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng và có nhóm giúp việc gồm có Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan.
 
Tại cuộc họp Chính phủ hôm nay, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Chính phủ về nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các thành viên Chính phủ đã đồng ý thông qua nghị quyết này.
 
Dự kiến, Chính phủ sẽ thông qua nghị quyết về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban trong quý 2/2018.
 
Còn mô hình của Ủy ban này khác với SCIC, SCIC chỉ là một mô hình về quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước. Còn đây là Ủy ban quản lý tổng thể luôn (tổng tài sản Ủy ban này sẽ quản lý là khoảng 5 triệu tỷ đồng, rất lớn), là định chế bao trùm, có những văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xây dựng bao quát toàn bộ vấn đề này.
 
Dự án mỏ kali Lào: Đang chờ ý kiến của Bộ Chính trị
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến dự án mỏ kali Lào, xin được trả lời trước hết đây là dự án của chủ  đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đây là dự  án theo thỏa thuận của hai Bộ Chính trị hai nước Việt Nam và CHDCND Lào. Hiện nay, dự án chưa đưa vào hoạt động, mới ở bước chuẩn bị đầu tư.
 
Tuy nhiên, Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xét thấy nếu tiếp tục triển khai để  đưa vào hoạt động thì hiệu quả của dự án sẽ không bảo đảo, thậm chí kể cả đời dự án sẽ tiếp tục lỗ.
 
Nguyên nhân chính là giá thành đầu ra của muối mỏ kali Lào không được như mong đợi.
 
Khi làm dự án tiền khả thi, theo dự toán, lúc đó là 500 USD/tấn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay giá thành hạ xuống chưa được 300 USD/tấn, thậm chí cũng có lúc xuống 250 USD/tấn.
 
Quan điểm hiện nay của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là trước hết tất cả các dự án đặc biệt là dự án kinh tế thì phải bảo đảm hiệu quả.
 
Cho nên Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã họp rất nhiều lần, cùng các bộ ngành có liên quan đề xuất báo cáo Bộ Chính trị về đề án này.
 
Hiện nay chúng tôi đang chờ ý kiến chính thức của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị cũng đã họp và hiện nay chúng tôi đang chờ quyết định chính thức của Bộ Chính trị và sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo cũng như quy định của Bộ Chính trị và các quy định hiện hành. Và điều hết sức quan trọng là cố gắng bảo đảm mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và CHDCND Lào, đây là mối quan hệ hết sức tốt đẹp, truyền thống và rất đặc biệt.
Cổng TTĐT Chính phủ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 2.078.063
Truy câp hiện tại 53